BỨC THƯ CỦA TS. ROBERT STERNBERG: GỬI TÔI, NHÀ TÂM LÝ TƯƠNG LAI

Nếu lúc đó tôi biết được những điều tôi đang biết… Nếu tôi có thể làm lại mọi việc…Nếu tôi có thể quay ngược thời gian…
Chúng ta ai cũng từng suy nghĩ thế này: Nếu có một cơ hội khác, tôi sẽ thay đổi điều gì. Liệu tôi có sử dụng thời gian như thế? Tôi có nên bắt đầu/ kết thúc mối quan hệ đó? Tôi có chọn ngành tâm lý? Tôi có nên tiếp tục học cao hơn?
           Robert J. Sternberg

Nếu tôi có thể gửi một lá thư  cho tôi lúc 16 tuổi, tôi sẽ nói gì? Bạn sẽ cho bạn lời khuyên nào để chuẩn bị cho tương lai?

Lý thuyết tam giác tình yêu của Steinberg
Bức thư này là của TS. Robert J. Sternberg, ông nhận bằng Tiến sĩ của ĐH Stanford vào năm 1975 và phần lớn sự nghiệp làm Giáo sư tại ĐH Yale. Sau đó, ông trở thành Trưởng khoa ĐH Tufts, ĐH Bang Oklahoma và là Hiệu trưởng tại ĐH Wyoming. Ông cũng là Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ. Ông hiện là Giáo sư về Phát triển Con người tại ĐH Cornell. Ông nổi tiếng bởi những nghiên cứu về trí thông minh, tính sáng tạo, trí tuệ, phong cách suy luận, lãnh đạo, đạo đức, tình yêu và lòng thù hận. Ông là người thiết lập lý thuyết ba tầng về trí thông minh và tam giác về tình yêu, đồng thời là người đồng sáng tạo lý thuyết đầu tư sáng tạo.
GỬI TÔI, NHÀ TÂM LÝ TƯƠNG LAI

Gửi Tôi tuổi 16,

Tôi không biết liệu chú có nhận được lá thư này hay không, ít nhất là về khung thời gian, nhưng tôi nghĩ sẽ vẫn cứ thử xem sao. Sau đây là ba lời khuyên mà tôi hy vọng rằng chú sẽ thấy hữu dụng, tốt nhất, càng sớm càng tốt.

1. Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của gia đình và bè bạn.

Chú sẽ sớm tưởng rằng mình sẽ đạt được “sự bất tử” qua công việc của mình, và mục tiêu đó là ý nghĩa của cuộc đời chú. Hoàn toàn sai. Đầu tiên, chỉ có một số ít các nhà tâm lý đạt đến sự bất tử thông qua công việc- có lẽ là Freud, James, Skinner, Piaget, và vài người nữa. Tuy nhiên, đa phần các tâm lý gia sẽ nhanh chóng bị lãng quên ngay khi họ có quyết định nghỉ hưu. Chú sẽ thấy nhiều đồng nghiệp nổi danh của chú tại Yale nghỉ hưu và nhận ra rằng những gì họ còn trong tay chẳng phải là công việc, điều nhanh chóng bị quên lãng,  hay thậm chí bạn bè nơi làm việc, vì đa phần họ vẫn mãi bận bịu tiến thân. Thay vào đó, những gì còn lại, nếu họ có, là gia đình và bạn bè thật sự. Chú sẽ khám phá ra rằng ý nghĩa của cuộc đời chú là làm thế giới trở nên một nơi tốt đẹp hơn, và cách chính yếu chú thực hiện điều đó là qua gia đình chú, đặc biệt là qua năm đứa con xinh đẹp, những đứa con của chúng và qua nhiều thế hệ tiếp theo.

2. Đừng đánh giá quá mức ý nguyện thay đổi nơi mọi người.

Chú sẽ bước vào chuyên ngành nghiên cứu về trí thông minh, trong đó nhiều người tin rằng các nét nhân cách là không thể thay đổi. Chú sẽ tranh luận một cách đúng đắn rằng con người có nhiều khả năng điều chỉnh hơn những gì các lý thuyết gia về trí thông minh nhận định. Thế nhưng, mãi về sau, chú sẽ nhận ra vấn đề chính yếu không nằm ở việc bất khả thay đổi của con người mà lại nằm ở việc họ không sẵn sàng làm vậy. Con người, kể cả chú, sẽ tìm ra đủ mọi lý do để giữ nguyên tình trạng. Họ bám lấy những yếu điểm của mình, tạo ra những câu chuyện khác nhau để lý giải hành động đó, và đối với cá nhân, những điều đó lại là thực tế của họ. Trường học cũng như vậy: Những người tầm thường sẽ dính lấy những thứ tầm thường, nói ra đủ thứ về tài năng không được công nhận của mình, còn những nguời hoàn hảo cũng bấu víu vào những gì họ đã làm trước đây, hy vọng rằng những điều từng khiến họ vĩ đại sẽ tiếp tục phép màu của chúng mặc cho thế giới thay đổi với tốc độ chóng mặt. Ta thường đánh giá cao sự sáng tạo qua câu chữ mà chẳng qua hành động. Vấn đề của các nhà tâm lý không phải là chưa hỗ trợ đủ khả năng thay đổi của con người mà là chưa nâng cao đúng mức sự sẵn sàng hay lòng can đảm để thực hiện.

3. Trí thông minh không phải là tài sản quá quý giá như chú nghĩ.

Như nhiều người khác trong xã hội, chú tin vào sự quan trọng của trí thông minh, dù chí ít chú nhận ra rằng thông minh không chỉ là IQ. Dù vậy, điều thế giới thiếu thốn nhất không phải là trí thông minh mà thay vào đó là sự sáng tạo, lý lẽ, thông thái và những tiêu chuẩn cao trọng về đạo đức. Vậy nên làm ơn, hãy vẫn tiếp tục nghiên cứu của chú, nhưng luôn nhớ rằng điều thế giới cần nhất không chỉ là những người thông minh, mà còn là những người có động lực, sáng tạo, hiểu biết và đạo đức.

Hy vọng chú mau nhận được cánh thư này.

Tôi, tuổi 64.

Link: http://www.gradpsychblog.org/dear-me-future-psychologist-yours-truly-dr-robert-sternberg/#.VCRUSpSSz1b

Có thể bạn quan tâm

RỐI LOẠN NHÂN CÁCH CHỐNG ĐỐI XÃ HỘI CÓ LIÊN HỆ VỚI THIẾU HỤT CHẤT TRẮNG TRONG NÃO BỘ

Những ngừoi có ASPD thường có khả năng tự kiểm soát kém, hung hăng

HIỆU QUẢ CỦA ỨNG DỤNG DI ĐỘNG TRONG HỖ TRỢ TRẦM CẢM

Nghiên cứu được thực hiện tại Úc đã cho thấy một số ứng dụng

MINDFULNESS-CHÁNH NIỆM LÀ GÌ? MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KHÁI NIỆM CHÁNH NIỆM

Mindfulness cần được đánh giá, không phải qua khảo sát chủ quan nhưng nên

10 XU HƯỚNG TIỀM NĂNG CỦA TÂM LÝ HỌC

Tâm lý học đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển những

HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI GIÚP LÀM CHẬM TIẾN TRÌNH SUY GIẢM CHỨC NĂNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI

Khả năng thực hiện những hoạt động thường nhật như thay quần áo, tắm

BA YẾU TỐ NGUY CƠ ĐI ĐÔI VỚI VIỆC GẶP ÁC MỘNG

Có thể ác mộng hoạt động như một chỉ báo khởi phát trầm cảm