KỶ LUẬT DÀNH CHO TRẺ MỚI BIẾT ĐI: CHIẾN LƯỢC VÀ THÁCH THỨC

Các vấn đề hành vi và giải pháp hiệu quả cho trẻ 1 và 2 tuổi

Đôi khi, kỷ luật một đứa trẻ mới biết đi giống như bước vào một trận chiến khó nhằn. Dù sao thì mọi người gọi “tuổi lên hai ương ngạnh” không phải là không có lý do của nó. Mặc dù trẻ còn nhỏ nhưng đầy cứng đầu và chống đối mạnh.

Dù cho trẻ chưa sẵn sàng với những hệ quả nghiêm trọng, nhưng bắt đầu sử dụng các chiến lược huấn luyện để dạy trẻ quản lý hành vi của mình là rất quan trọng. Đây là thời điểm tốt để bắt đầu dạy cho trẻ cách đưa ra những lựa chọn đúng đắn.

Hành vi điển hình của trẻ mới biết đi

Hầu hết những trẻ 2 tuổi có rất nhiều năng lượng. Chúng không ngừng chạy nhảy và chơi đùa cho đến khi không còn năng lượng nữa. Vì vậy, điều quan trọng là phải tìm ra những cách lành mạnh giúp trẻ không ngọ nguậy.

Trẻ mới biết đi có thể dễ bị kích thích quá mức và đôi khi khó lấy lại bình tĩnh. Đôi lúc, một khoảng nghỉ ngắn trong có thể giúp trẻ bình tỉnh trở lại. Ở những thời điểm khác, có lẽ bạn nên ngừng và thử lại vào lần sau..

Trẻ mới biết đi khám phá mọi thứ bằng tất cả các giác quan của mình – đặc biệt là xúc giác. Các kỹ năng vận động đang phát triển kết hợp với đặc tính bốc đồng của trẻ có thể khiến trẻ trở nên vụng về. Vì vậy, điều quan trọng là dạy trẻ cách chạm vào mọi thứ một cách an toàn.

Trẻ cũng muốn khẳng định sự độc lập của mình. Đừng ngạc nhiên nếu con bạn nói “Không!” (khả năng nói) và chạy trốn khỏi bạn (kỹ năng vận động). Mặc dù nuôi dạy trẻ mới biết đi có rất nhiều việc phải làm, nhưng nhìn thấy trẻ lớn lên và phát triển là một trải nghiệm hấp dẫn và thú vị.

Bởi vì tất cả những sự phát triển đó, trẻ có những nhu cầu về kỷ luật rất cụ thể. Trẻ cần kỷ luật/khuôn phép để nuôi dưỡng tính độc lập của mình nhưng vẫn học được cách cư xử phù hợp với xã hội.

Những thách thức chung

Trẻ mới biết đi đôi khi sẽ nói dối nhưng khi tự biện hộ cho mình, trẻ thể hiện bản thân không hiểu rằng đó là nói dối. Thông thường, trẻ sẽ nói “Không” khi bị hỏi trực tiếp “Con ăn bánh quy phải không?”. Trẻ nói “Không” là để đáp lại tông giọng hoặc ngôn ngữ cơ thể của bạn rằng bạn đang ám chỉ trẻ làm điều gì đó sai.

Hãy nhớ rằng, trẻ mới biết đi có khả năng nói còn hạn chế nên trẻ khó thể hiện bản thân bằng lời nói của mình. Thay vào đó, trẻ có xu hướng sử dụng cơ thể của mình để thể hiện cho bạn biết trẻ đang cảm thấy như thế nào.

Kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ có giới hạn của trẻ có thể dẫn đến những cơn ăn vạ khi trẻ khó chịu hoặc tức giận. Và cơn giận dữ cũng có thể xảy ra khi trẻ không thể xử lý cảm xúc của mình hoặc nếu khi trẻ bị kích thích quá mức.

Hành vi hung hăng cũng khá phổ biến. Trẻ mới biết đi thiếu các kỹ năng để giải quyết xung đột một cách hòa bình và chúng chưa hiểu những lựa chọn của chúng có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Đừng ngạc nhiên nếu trẻ thường xuyên đánh, cắn hoặc ném đồ đạc.

Thiết lập một vài quy tắc đơn giản trong gia đình và thực thi chúng một cách nhất quán. Trẻ mới biết đi cần được nhắc nhở thường xuyên và phải thực hành lặp đi lăp lại. Sử dụng những từ giống nhau cho mỗi lần nhắc nhở để giúp củng cố cho trẻ làm theo quy tắc.

Chiến lược kỷ luật hiệu quả

Chiến lược kỷ luật nên được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của con bạn. Sau đây là gợi ý về một số những chiến lược thường hiệu quả đối với trẻ mới biết đi.

  1. Cho trẻ những hướng dẫn bằng hành động cụ thể

Đứng từ xa và nói vọng lại chỗ con bạn “Nựng chó nhẹ nhàng thôi con” sẽ không có hiệu quả. Thay vào đó, hãy chỉ cho con hiểu bằng cách làm mẫu..

Đặt bàn tay của bạn trên bàn tay trẻ và nhẹ nhàng vuốt ve chú chó. Hãy nói “Vuốt ve thật nhẹ nhàng” trong khi làm điều đó. Sau đó, bất cứ khi nào bạn bắt gặp con bạn thô bạo với chó, hãy lặp lại bài học đó với trẻ. Cuối cùng, trẻ sẽ học được cách vuốt ve một cách nhẹ nhàng.

Tự mình làm mẫu sẽ hiệu quả hơn so với việc chỉ nói suông và yêu cầu con bạn phải làm cái gì. Vì vậy hãy sử dụng những hướng dẫn bằng hành động cụ thể để dạy con bạn những kỹ năng mới.

Bạn cũng nên tạo cho con bạn nhiều cơ hội trong một ngày để đưa ra những lựa chọn tích cực. Việc trẻ cảm thấy mình không kiểm soát được tình huống (hoặc chính mình) sẽ khiến trẻ dễ giận dữ. Bằng cách cho con bạn cơ hội để lựa chọn, chẳng hạn như chọn bánh hoặc sách chúng muốn đọc trước khi ngủ, bạn đang trao quyền cho trẻ để chúng cảm thấy đang kiểm soát nhiều hơn.

  1. Đưa trẻ ra khỏi tình huống

Đôi khi, trẻ nhỏ chưa sẵn sàng để học tập vào thời điểm đó, việc cố gắng ép buộc trẻ làm đôi khi sẽ làm nảy sinh những hệ quả không hay. Nếu con bạn không thể duy trì hành vi phù hợp trong cửa hàng tạp hóa, bạn có thể phải kết thúc sớm chuyến mua sắm. Hoặc nếu con bạn không nghe lời bạn ở công viên, hãy về nhà và thử lại vào ngày khác.

  1. Khen ngợi hành vi tốt

Mọi người đều dễ dàng tiếp nhận lời khen, bao gồm trẻ mới biết đi. Khen ngợi những hành vi tốt là bạn đang khuyến khích trẻ lặp lại những hành vi đó.

Điều quan trọng là có mặt vào những lúc trẻ ngoan. Khen ngợi trẻ khi trẻ chơi đùa yên ắng, trẻ cố gắng tự mặc quần áo hoặc dọn dẹp đồ chơi của mình. Trẻ sẽ có động lực để tiếp tục công việc tốt khi trẻ biết bạn đang chú ý đến trẻ.

  1. Bỏ qua hành vi sai nhỏ

Trẻ mới biết đi thường biểu hiện những hành vi tìm kiếm sự chú ý. Hành vi ăn vạ, than vãn và la hét thường có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn quá chú ý đến trẻ. Vì sự chú ý là một củng cố tích cực, khuyến khích những hành vi đó tiếp tục.

Đôi khi phản ứng tốt nhất là cố tình phớt lờ các hành vi tìm kiếm sự chú ý. Nhìn theo hướng khác, giả vờ như bạn không nghe thấy con mình đang rên rỉ hoặc la hét hoặc hành động như đang bận làm gì đó, chẳng hạn như đọc sách.

Ngay sau khi con bạn dừng những hành vi sai trái, bạn có thể bắt đầu chú ý trở lại. Bạn có thể nói là “Oh, bây giờ con đã yên lặng rồi, vậy ta đi chơi nhé?”

Nếu có hành vi sai vì chúng đói hoặc mệt thì việc không để ý đến trẻ sẽ không giải quyết được vấn đề. Bạn sẽ cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cơn giận dữ. Chú ý đến những dấu hiệu như đói và mệt mỏi của con bạn. Điều này sẽ giúp bạn tránh được những cơn giận dữ này trong tương lai.

Nếu bạn không thể phớt lờ hoặc bỏ mặc con khi chúng đang nổi cơn thịnh nộ, hãy hạn chế phản ứng của bạn. Hành động buồn chán khi con bạn ăn vạ sẽ gửi một thông điệp tương tự như việc phớt lờ chúng hoàn toàn.

  1. Sử dụng thời gian chờ (time-out)

Hầu hết trẻ mới biết đi không thể ngồi yên trên ghế để time-out thành công. Trẻ thường thiếu sự kiên nhẫn và sự chú ý để ngồi yên.

Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng “phòng chờ” – a timeout room. Chỉ cần đảm bảo phòng hoàn toàn an toàn cho trẻ, cho con bạn vào phòng và đóng cửa lại.

Thời gian chờ của trẻ có thể được tính theo số tuổi của trẻ, một phút cho mỗi một năm tuổi. Ví dụ, một đứa trẻ 2 tuổi có thể có thời gian chờ là 2 phút, 3 tuổi – thời gian chờ là 3 phút.

Không sử dụng phòng ngủ của trẻ như một không gian chờ. Giường hoặc nôi của trẻ có cảm giác là một nơi an toàn để ngủ – cảm giác này sẽ bị đe dọa nếu căn phòng có liên quan đến hình phạt.

Ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai

Trẻ mới biết đi là những sinh vật nhỏ tò mò muốn chạm, muốn ném hay đập vỡ mọi thứ. Thật vô lý khi mong đợi trẻ giữ yên tay của mình. Hãy thay đổi môi trường để trẻ có thể chơi và khám phá một cách an toàn.

Sử dụng các nắp đậy ổ cắm, tạo lớp đệm trên các góc nhọn và loại bỏ các vật dễ vỡ. Bạn không cần dùng quá nhiều thời gian để rèn luyện kỹ luật cho trẻ khi chúng có thể khám phá thế giới xung quanh một cách an toàn.

Cố định tất cả đồ đạc vào tường (bao gồm tivi) là nhiệm vụ quan trọng nhất của cha mẹ để bảo vệ con mình. Vì những đồ vật này là nguồn chính gây ra thương tích cho trẻ.

Thiết lập một lịch trình các hoạt động cụ thể trong ngày của trẻ. Cố gắng duy trì thời gian ngủ trưa, giờ ăn nhẹ, giờ chơi và giờ đi ngủ nhất quán. Cơ thể của trẻ sẽ phát triển để quen dần với lịch trình. Khi đó, trẻ sẽ biết khi nào cần thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Bạn có thể giúp con mình chuyển từ hoạt đồng này sang hoạt động tiếp theo bằng việc báo trước cho trẻ biết và để trẻ cảm thấy mình được tham gia vào quá trình này.

Bắt đầu bằng cách cho trẻ biết rằng hoạt động của bạn sắp kết thúc. Thay vì nói với trẻ rằng “Con còn vài phút nữa để chơi”, hãy diễn đạt thời gian theo cách mà trẻ có thể hiểu được. (Trẻ mới biết đi sẽ không hiểu được ý nghĩa của từ “vài phút nữa”)

Bạn có thể bắt đầu bằng cách nói: “Chúng ta có thời gian để chơi với một món đồ chơi nữa trước khi đến giờ tắm của con”. Sau đó, cho trẻ lựa chọn hoạt động. Bạn có thể hỏi: “Con muốn chơi tàu lửa hay đọc một câu chuyện trước khi đi tắm?”

Lên kế hoạch cho hoạt động của bạn một các cẩn thận. Chuyến đi cửa hàng sẽ thành công hơn nếu con bạn được ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ. Bất cứ khi nào có thể, hãy cố gắng đưa trẻ mới biết đi tham gia hoạt động cộng đồng khi chúng ở trạng thái tốt nhất.

Trẻ mới biết đi học cách cư xử bằng cách quan sát những người xung quanh. Làm mẫu cho hành vi mà bạn muốn thấy ở trẻ và đó có thể là cách nhanh nhất để dạy các kỹ năng mới.

Ví dụ: Thay vì lặp đi lặp lại với con bạn rằng chúng hãy nói “làm ơn” (please) và “cảm ơn”, hãy chỉ cho con bạn cách sử dụng những cách cư xử này bằng cách làm mẫu. Hãy lưu ý rằng con bạn cũng có thể mắc phải những thói quen xấu khi trẻ thấy bạn làm điều đó.

Mẹo giao tiếp

Chỉ cung cấp cho trẻ những lời giải thích ngắn gọn. Trẻ mới biết đi không có khả năng chú ý để nghe những lời giải thích dài dòng về lý do tại sao chúng không nên làm điều gì đó.

Cung cấp các câu ngắn gọn như: “Không đánh bạn. Điều đó làm bạn đau”. Khi ngôn ngữ của con bạn phát triển, bạn có thể bắt đầu sử dụng những lời giải thích chi tiết hơn.

Cứ nói đi nói lại con không được ném đồ hoặc phải đối mặt với hàng chục tình huống ăn vạ của trẻ trong bữa trưa sẽ làm bạn cảm thấy tuyệt vọng, dù thế hãy cố gắng giữ bình tĩnh. Khi bạn làm gương cho con cách ứng phó với cảm xúc của bạn một cách lành mạnh, con bạn sẽ học được cách quản lý cảm xúc của chúng nhanh hơn.

Người chăm sóc không bao giờ được sử dụng hình phạt thể xác hoặc lời nói thô tục để kỷ luật trẻ. Đánh đập, la mắng hoặc làm xấu mặt trẻ không chỉ là những phản ứng không hiệu quả đối với những hành vi không mong muốn mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài đến thể chất và tinh thần trẻ.

Nếu bạn thất vọng với hành vi của con mình, hãy hít thở sâu, dành cho bản thân một khoảng thời gian chờ hoặc đếm đến 10 trước khi làm việc. Hãy dành thời gian chăm sóc bản thân. Quản lý căng thẳng một cách lành mạnh đảm bảo bạn có thể trở thành bậc cha mẹ tốt nhất có thể và cũng sẽ giúp bạn kỷ luật con mình một cách hiệu quả.

Dịch từ nguồn:

https://www.verywellfamily.com/discipline-strategies-for-toddlers-4126167

 

Có thể bạn quan tâm

TRUYỆN ĐỌC GIẢI THÍCH VỀ COVID-19 CHO BÉ YÊU

Làm sao để giải thích cho bé yêu nhà bạn về dịch Covid –

GIÃN CÁCH XÃ HỘI ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO ĐẾN NGÔN NGỮ CỦA TRẺ VÀ VAI TRÒ CỦA BA MẸ?

Việc đeo khẩu trang trong suốt mùa dịch cũng khiến chúng ta nhận ra

TRẺ HỌC TẬP QUA BIỂU CẢM NHƯ THẾ NÀO?

Gương mặt và biểu cảm có khả năng tác động rất lớn lên con

NUÔI DẠY MỘT THẾ HỆ ONLINE AN TOÀN VÀ TỬ TẾ

“Về căn bản, người dùng Internet thông thường cần biết rằng mọi thứ họ

CON GÁI HƯỞNG LỢI KHI CÓ MẸ ĐI LÀM

Khi tôi mới làm mẹ, mọi việc như chỉ có đúng và sai, nhưng

LÀM CÁCH NÀO GIÁO VIÊN ĐẶC BIỆT CÓ THỂ HỖ TRỢ TRẺ GẶP KHÓ KHĂN?

Mọi người thuộc mọi lứa tuổi sẽ ít có khả năng mắc phải các