“LUẬT” TRỊ LIỆU

Nhà trị liệu - Thân chủ (Photo by Andrea Wan)

Nhà trị liệu – Thân chủ (Photo by Andrea Wan)

ROBIN WEISS 22/11/2014

Julia sắp bước qua tuổi 35 khi lần đầu cô ấy xuất hiện tại văn phòng của tôi. Và cô quả quyết đó sẽ là sinh nhật cuối cùng của mình.

Julia, một bác sĩ phẫu thuật cần mẫn tại bệnh viện trong vùng, sống một cuộc sống khổ hạnh và vất vả ngay trong những năm thanh xuân của mình. Rồi một cơn trầm cảm nghiêm trọng xuất hiện. Gần như ngay lập tức, nó che phủ những tàn dư hạnh phúc, cướp đi giấc ngủ và khóa chặt gương mặt cô dưới một chiếc mặt nạ đau khổ. Cô bắt đầu có ý nghĩ tự vẫn. Và rồi, một đồng nghiệp đã nài nỉ cô tìm kiếm sự hỗ trợ.

Ngay từ khi bắt đầu trị liệu, mặc cho sự mệt mỏi, Julia đã nhặt nhạnh tất cả sự kiên quyết nhằm chống lại điều mà cô mô tả là “nguyên tắc trị liệu”- đặc biệt là việc tôi không tiết lộ thông tin cá nhân của bản thân mình trong suốt tiến trình làm việc. Cô nở một nụ cười nhợt nhạt, đầy thách thức và lớn tiếng hỏi: “Bà không thấy chán khi phải lắng nghe những bệnh nhân tâm thần như chúng tôi sao?”/“Bà đang tựa đầu vào tay của mình, bà đau đầu sao?”/“Bà có con không? Mấy đứa?”

Cô không thèm đếm xỉa đến nguyên tắc của tôi. Cô đến trị liệu với giả định rằng tôi sẽ mãi trung thành với quy luật ấy. Điều này thật ra cũng dễ hiểu: biếm họa về các nhà phân tâm theo Freud, vuốt ve bộ râu, chọc giận thân chủ bằng cách chuyển hướng câu hỏi của họ bằng một câu hỏi khác (“Câu hỏi đó làm chị cảm thấy thế nào?”) nay đã ngập tràn trên văn hóa đại chúng.

Trên thực tế, quy luật này bắt nguồn từ Freud. Trong một tài liệu vào năm 1912, ông đề nghị các bác sĩ hành nghề phân tâm “cần che đậy bản thân mình trước thân chủ, và, trở thành một tấm gương chỉ phản chiếu không gì khác ngoài những gì họ phơi bày trước mặt người bác sĩ.”

Trong phân tâm học, quy luật này có lý lẽ riêng của nó. Theo lý thuyết, thân chủ thường tái hiện mối quan hệ họ có với cha mẹ mình nơi nhà trị liệu. Điều này được gọi là chuyển di (transference). Bằng cách tập trung chú ý vào bi kịch ẩn giấu được phơi bày ngay tại phòng trị liệu, nhà trị liệu và thân chủ có thể khám phá và giải quyết những mâu thuẫn thời ấu thơ. Vậy nên, nếu nhà trị liệu để những thông tin của bản thân mình chen ngang mối quan hệ, họ sẽ làm lu mờ tấm gương và gây tổn hại cho tiến trình làm việc.

Tuy nhiên, tôi không phải là nhà phân tâm. Tôi là một bác sĩ tâm thần, một bác sĩ y khoa điều trị bệnh lý tâm thần với cả thuốc và trị liệu tâm lý. Và Julia mắc một chứng bệnh sinh học – rối loạn trầm cảm nặng (major depressive disorder) – cần được điều trị một phần bằng thuốc. Sấm truyền của Freud không nhất thiết phải trở thành trọng tâm trong công việc giữa tôi và cô ấy.

Thế nhưng cô vẫn miệt mài giành giật niềm tin từ tôi. Vì sao?

Julia đồng ý sử dụng thuốc chống trầm cảm, nó giúp cô giảm thiểu những triệu chứng dai dẳng nhất. Cô ngồi trong phòng trị liệu, cuộn mình trong chiếc chăn lông để giữ ấm, trông như một đứa trẻ bơ vơ buồn bã và cô độc. Đâu là ngọn nguồn của những phiền muộn nơi cô? Nếu chúng tôi không thể hiểu thêm về nó, nhiều khả năng nó sẽ lại đưa cô trở về những giai đoạn trầm cảm nặng trước đây. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu bước vào trị liệu tâm lý chuyên sâu.

Lúc này, bản năng của Julia cho rằng tôi sẵn sàng chia sẻ về bản thân đã một phần chính xác. Tôi tuy chẳng thuần giáo điều nhưng cũng chẳng hay đề cập đến cuộc sống riêng của mình.

Ngay cả khi bạn không phải là một phân tâm gia cổ điển theo Freud, cũng có nhiều lý do thích đáng để một nhà trị liệu giữ nguyên trạng thái trung lập. Một trong số những nguyên nhân là thân chủ cần có tự do để đưa cuộc trò chuyện đi đến bất cứ nơi đâu, kể cả đến những lãnh địa cấm kỵ và khó chịu. Nếu trị liệu bị ràng buộc từ cả hai phía, nhà trị liệu có thể khép lại nhiều hướng đi của cuộc đối thoại mà họ có thể muốn né tránh.

Do đó, tôi đặt mình vào trong “cái tôi trị liệu” với Julia: chăm chú, cởi mở và ấm áp, tôi hi vọng là thế – nhưng cũng trung lập và cẩn trọng khi đề cập đến cuộc sống của mình. Nhưng tôi càng thận trọng bao nhiêu thì Julia càng ép tôi bộc lộ bấy nhiêu. Đúng là không thể không thắc mắc liệu điều gì ẩn sau yêu cầu ấy của cô.

Julia nhìn thế giới với một cặp mắt đầy tự tin. Giọng nói của cô ánh lên vẻ điềm đạm như đang nói rằng, “Tôi sẽ lo liệu được”. Và mọi người thường vẫn chấp nhận lời đề nghị ẩn ý ấy. Cô trở thành giải pháp cho vấn đề của những người xung quanh.

Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng ẩn sau vẻ ngoài dồi dào năng lực đó là một tâm hồn mong manh. Trong suốt những giai đoạn phát triển dễ tổn thương nhất của Julia, bắt đầu ngay từ khi còn thơ bé, người mẹ của cô, người phải hứng chịu bệnh lý tâm thần nghiêm trọng cùng một loại rối loạn nhân cách khiến bà trở nên thất thường và ái kỷ, đã chẳng bao giờ hiện diện đầy đủ bên cô. Thật vậy, Julia lại còn được gọi đến để xoa dịu mẹ mình. Cô tích lũy kỹ năng này theo thời gian, trở thành một thứ mà cô gọi là Sherpa – người chuyên mang vác gánh nặng của người khác mà chẳng ai hay biết về sức nặng cô phải chịu đựng. (Sherpa- những phu khuân vác người Tây Tạng chuyên mang vác đồ cho khách leo núi)

Julia đem đến một thách thức về mặt trị liệu cho bản thân tôi. Cô đã rèn giũa nghệ thuật che giấu bản thân, chuyển đổi định hướng đối thoại từ người này sang người khác. Cô khát khao mãnh liệt được liên kết với tôi, và đó chính là phương pháp thiết lập sự thân mật mà cô đã thử và cảm thấy đúng đắn – ít ra là trong phỏng đoán của cô. Tuy nhiên qua việc liên tục đặt ra những câu hỏi cá nhân về phía tôi, cô cũng tạo ra nguy cơ lặp lại mối quan hệ đã khiến cô cảm thấy bị tách biệt và đơn độc nơi thế giới bên ngoài.

Có vẻ như cô đang thử làm Sherpa một lần nữa

Khi tôi chỉ ra điều này cho cô thấy, cô lập tức rút lui. Mặc cho tôi đề cập đến quan sát này nhẹ nhàng đến mức nào, cô đều cảm nhận đó là một sự quở trách, một chia lìa đớn đau trong mối dây gần gũi của chúng tôi. Mặc dù vậy, nếu tôi không chỉ ra những khoảnh khắc đó, tôi sợ rằng cô sẽ chẳng nhận ra mình đang vô thức đắp bồi mối quan hệ của chúng tôi theo một khuôn mẫu các mối quan hệ một chiều đầy thất vọng trước đây. Tôi rơi vào một tình thế khó xử.

Có một câu nói của nhà tâm thần D. W. Winnicott mà sự thông thái toát ra khiến bản thân tôi, khi ấy còn đang học làm bác sĩ, phải trầm trồ thán phục.

“Tôi kinh ngạc khi nghĩ về bao nhiêu thay đổi sâu xa mà tôi đã né tránh hay trì hoãn do nhu cầu diễn dịch của cá nhân mình”, Winnicott viết.

Khi làm việc với Julia, tôi mới đầu thật sự học những bài học từ Winnicott. Lúc tiến trình diễn ra, tôi mới nhận ra mình sáo rỗng tới mức nào mỗi khi tôi cố phân tích điều gì đang diễn ra giữa chúng tôi. Nếu tôi chuyển sang chế độ lâm sàng quá mức, mối quan hệ của chúng tôi sẽ lung lay dữ dội và sự cô lập hiển hiện với Julia rõ ràng hơn bao giờ hết.

Ngược lại, khi tôi bắt đầu hạ tấm màn xuống trước những thách thức của cô, mối quan hệ của chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn trước và cô bắt đầu cơi mở hơn với việc điều trị. Chúng tôi cùng nhau cười nói về một tấm thiệp hay một bông hoa cô đem đến từ vườn nhà – những vật thể hiện nhu cầu thách thức những “luật lệ” của cô và giúp tôi diễn dịch thêm những hành động mới. Mối tương tác này giúp cô phát triển khả năng tự quan sát bản thân khi hành động, trong lúc cô vẫn “quyến rũ” tôi theo phong cách Sherpa thường thấy của mình.

Tôi có thể là một người học chậm, nhưng cuối cùng tôi cũng đã hiểu ra: tôi mới là người cần thay đổi. Từ đó, mỗi lần cô nhìn thấy một ánh nhìn khác lạ từ tôi, tôi liền nói, vâng, tôi bị chứng đau nửa đầu. Chúng tôi cùng theo dõi một chương trình truyền hình và tôi sẵn sàng nói cho cô biết tôi đi du lịch ở đâu.

Khi tôi nói rằng tôi lo lắng, với việc cô can dự vào đời sống của tôi, cô sẽ dễ từ chối tầm quan trọng của bản thân, cô trả lời “Tôi tin rằng bà sẽ không để tôi rơi vào tình trạng đó”. Với khả năng nhận thức cao độ về cách thức mình tạo ra sự thân mật, có lẽ mọi chuyện có thể sẽ đổi khác với cô.

Nhiều năm đã trôi qua. Julia hiện như thế nào? Cô đã có một cuộc sống khác hoàn toàn với câu chuyện trên, một cuộc sống thay đổi theo nhiều hướng tích cực. Buồn thay, cô vẫn chịu căn bệnh – trầm cảm nặng – tái phát mãn tính mà hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, cô đã thành công trong việc huấn luyện tôi trở thành một bác sĩ phù hợp hơn cho chính cô, và cô vẫn đến gặp tôi để điều trị. Cho dù tâm thần hiện đại chẳng phải lúc nào cũng chữa hết bá bệnh, ít nhất tôi vẫn có thể phần nào san sẻ gánh nặng giúp Julia.

Chi tiết được thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư của thân chủ.

Robin Weiss là bác sĩ tâm thần ở Baltimore.

Link nguồn: http://opinionator.blogs.nytimes.com/2014/11/22/the-rules-of-psychotherapy/?smid=fb-nytimes&smtyp=cur&bicmp=AD&bicmlukp=WT.mc_id&bicmst=1409232722000&bicmet=1419773522000&_r=1

Dịch: Saigon Psychub – Hành lang Tâm lý

Có thể bạn quan tâm

MỐI LIÊN HỆ GIỮA THỰC PHẨM VÀ TÂM LÝ

Liệu chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần của

KHÔNG HẲN LÀ TRẦM CẢM

Tại sao một người trông có vẻ đang trầm cảm, mang trên mình những

TẬN DỤNG LO LẮNG ĐỂ THÚC ĐẨY BẢN THÂN

Đối với một số người, môi trường áp lực cao có thể đem đến

OVERTHINKING – SUY NGHĨ QUÁ MỨC

Overthinking – tiếng Việt thường gọi là suy nghĩ quá mức/ quá lố/ quá

TRỊ LIỆU CHO NGƯỜI ĐANG ĐAU KHỔ: HIỂU ĐÚNG VỀ NỖI ĐAU

Mary đến gặp tôi, sáu tháng sau khi con gái bé bỏng cuả cô