NHỮNG PHƯƠNG CÁCH ĐƠN GIẢN MÀ HIỆU QUẢ ĐỂ HỖ TRỢ TRẺ TRONG MÙA DỊCH

10 cách hỗ trợ trẻ học tiếng Anh tại nhà hiệu quả (phần 1)

Những ngày tháng sống chung với đại dịch chưa bao giờ là dễ dàng đối với cả xã hội cho đến từng gia đình. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, khoảng cách của các thành viên trong gia đình được kéo gần lại hơn. Con cái nghỉ học, ba mẹ làm việc ở nhà, các thành viên trong gia đình gặp nhau ít nhất 16 giờ mỗi ngày. Những thay đổi đột ngột và kéo dài như thế này đôi khi dẫn đến những thay đổi trong hành vi, mà ở đây chúng ta sẽ bàn sâu hơn về những hành vi của trẻ mà ba mẹ sẽ cần đặc biệt lưu ý để có những điều chỉnh phù hợp.

Một trong những sự kiện đầu tiên xuất hiện qua các đợt dịch bệnh bùng phát mà chúng ta có thể thấy là trẻ sẽ được nghỉ học hoặc chuyển qua hình thức học online. Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ: thức khuya dậy trễ, ăn uống không điều độ… Những thay đổi vượt qua các nếp sinh hoạt hàng ngày sẽ càng gây khó khăn cho trẻ khi mọi thứ trở về nhịp độ bình thường.

Có người cho rằng thói quen được thiết lập sau 21 ngày thực hiện liên tục, có người thì nói rằng cần tới 66 ngày. Dù là mất 21 hay 66 ngày thì điều quan trọng chúng ta cần lưu ý là một khi hành vi đã được thiết lập, phá vỡ nó là điều không hề dễ dàng và có thể dẫn đến những cảm xúc cũng như hành vi tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ và ba mẹ. Vì thế tốt nhất là trong giới hạn của mình, chúng ta cần tránh thiết lập các hành vi xấu để giảm nguy cơ phải “tập” lại chính thói quen cũ.

HỖ TRỢ TRẺ VỀ VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ

Đọc sách cùng con | giaoduc.edu.vn

Từ khi dịch Covid bắt đầu xuất hiện vào đầu năm 2020 và những đợt giới nghiêm đầu tiên trên thế giới vào tháng 3 năm ngoái cho đến nay, người ta đã có khá nhiều các nghiên cứu về tác động của giãn cách xã hội lên sự phát triển ngôn ngữ và tương tác xã hội ở trẻ. Các thống kê cho thấy, ngôn ngữ là mối quan tâm hàng đầu của nhà trường khi trẻ chuẩn bị đi học. Một số thống kê cũng cho thấy trẻ đi học vào mùa giãn cách cần được hỗ trợ ngôn ngữ nhiều hơn so với các năm trước (Weinstein, 2021). Vì vậy, phụ huynh nên chú trọng tăng cường giao tiếp hàng ngày với trẻ thông qua các trò chơi và các hoạt động chung.

Đọc sách:

Đọc sách cùng trẻ là một hoạt động mang nhiều lợi ích, từ việc phát triển ngôn ngữ, tư duy, nhận thức cho đến các kỹ năng xã hội cần thiết khác.

Duy trì các mối liên hệ cho trẻ với bạn bè, anh chị em, ông bà và họ hàng

Việc tạo cơ hội cho trẻ trò chuyện với các đối tượng khác nhau sẽ giúp trẻ duy trì và phát triển ngôn ngữ linh hoạt. Đây cũng là một cách giúp trẻ giải toả căng thẳng khi không được ra ngoài và các hoạt động bị hạn chế tại nhà.

Sử dụng hiệu quả chiếc Ipad

Trong thời điểm mà việc gặp mặt trực tiếp không còn phù hợp thì Ipad, hiện đang bị gán tội là nguyên nhân của các rối loạn ngôn ngữ, dường như lại đang phát huy tối đa công dụng của mình. Về bản chất, thiết bị công nghệ không xấu, cách chúng ta sử dụng chúng mới quyết định là nó có lợi hay có hại. Nếu người lớn có thể có meeting online, trẻ con có thể tổ chức playdate online với các bạn hoặc anh chị em họ. Bạn sẽ bất ngờ với những sáng tạo trong cách chơi “đời mới” của bọn trẻ.

Tuy nhiên, điều ba mẹ cần lưu ý là giám sát các hoạt động trên Ipad của con, đảm bảo mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát cũng như giới hạn thời lượng và mục đích trẻ được phép sử dụng. Bởi vì chúng ta cũng không thể phủ nhận các tác hại đi kèm cũng như không nên lạm dụng Ipad để quản lý trẻ. Gọi điện hỏi thăm ông bà nội ngoại hẳn là một mục đích chính đáng và cần được khuyến khích, nhưng xem Youtube liên tục trong 4 – 5 giờ đồng hồ sẽ cần được can thiệp.

HỖ TRỢ TRẺ VƯỢT QUA CÁC KHÓ KHĂN TINH THẦN

Trẻ 20 tháng tuổi: Phát triển thể chất, vận động, nhận thức và cảm xúc | Vinmec

Khi phải ở nhà quá nhiều, dường như ai cũng có chút khó chịu, dễ cáu gắt. Và trẻ cũng vậy.

Những nghiên cứu cũng cho thấy các dấu hiệu về khó khăn tinh thần gia tăng ở trẻ trong thời kỳ Covid. Những cuộc gặp gỡ bạn bè đều bị hạn chế, không được tham gia các hoạt động ngoài trời, chuyển đổi hình thức học online… đều có thể khiến cho trẻ cảm thấy buồn bã, khó chịu, căng thẳng, thậm chí trầm cảm (Karki, Dhonju & Kunwar, 2020).

Có trẻ sẽ lo lắng với những quy tắc mới như đeo khẩu trang, rửa tay hoặc trăn trở về những con số, bệnh tật hay thậm chí là cái chết. Một số trẻ phải xa ba mẹ dài ngày và điều này làm gia tăng những lo âu ở trẻ. Một trường hợp khác là trẻ được ở nhà nhiều với ba mẹ nhưng lại không được quan tâm nhiều như trước do các bậc phụ huynh bận rộn với các cuộc meeting online và các công việc mưu sinh khác. Điều đó cũng có nguy cơ gây hoang mang và lo âu ở trẻ.

Tuy nhiên, việc biểu đạt cảm xúc và nói ra suy nghĩ ở trẻ nhỏ đôi khi sẽ gặp vài giới hạn hoặc sẽ thể hiện thông qua hành vi: ăn vạ, mè nheo, đeo bám hoặc rút lui. Vậy người lớn cần làm gì để hỗ trợ con cháu của mình?

Quan sát những thay đổi trong hành vi và cảm xúc của trẻ:

Quan sát những thay đổi trong hành vi và cảm xúc của trẻ, từ đó, chúng ta hãy trò chuyện để cùng chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ của con, giải thích rõ ràng và trung thực cho trẻ về những sự kiện đang diễn ra. Sự hiện diện và lắng nghe của phụ huynh ở thời điểm này là cần thiết hơn bao giờ hết.

Thiết lập thời gian biểu:

Một thời gian biểu sinh hoạt rõ ràng trong ngày sẽ cần thiết và hữu ích cho mọi người kể cả ba mẹ và trẻ. Hãy cố gắng giữ lời hứa dành thời gian cho con để trẻ tin tưởng rằng ba mẹ sẽ luôn ở đây. Và khi ở bên con, hãy tập trung vào con, ở đó và hiện diện. Những khoảnh khắc ngắn nhưng chất lượng luôn tốt hơn một ngày dài nhưng không hề ở đó.

Thời gian biểu sẽ giúp cho gia đình có một kế hoạch cụ thể hơn cho một ngày hiệu quả. Khi chúng ta sắp xếp và đưa các hoạt động vào các khung giờ nhất định, đôi khi chúng ta sẽ thấy rằng, thật ra mình có thể làm được nhiều việc hơn mình tưởng.

Lưu ý khi xây dựng thời gian biểu

Thứ nhất là chúng ta phải tuân thủ theo thời gian biểu mà mình đã đặt ra.

Thứ hai, khi đang ở trong một khung giờ nào, hãy chú tâm vào công việc ở khung giờ đó và cố gắng bỏ qua hết những lo lắng về những công việc xung quanh, dù cho là bạn đang chơi với con hay họp với sếp. Điều này đòi hỏi sự sắp xếp trước về nguồn lực và sự phối hợp giữa các thành viên trong gia đình. Hãy nhớ là công việc chăm con không chỉ là vai trò của người mẹ, mà còn là sự đỡ đần của người cha, hay người ông, người bà, hay là bạn lớn hơn tập chơi với em. Kêu gọi nguồn lực hỗ trợ sẽ giúp giảm tải những gánh nặng cho ba mẹ trong thời gian này.

Thứ ba, khi lên kế hoạch trong ngày, cố gắng có những hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm và hoạt động tập thể. Hãy dành những khoảng thời gian cho trẻ tự học, hoặc tự chơi – nhất là đối với các bạn đã có thể chơi độc lập. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể lên lịch cho các hoạt động mẹ chơi cùng con trai, hoặc ba chơi cùng con gái. Và các hoạt động có thể làm chung cả nhà. Chúng ta nên tạo ra các hoạt động học tập, thể chất, các hoạt động chăm sóc nhà cửa như rửa chén, phơi đồ, quét dọn nhà cửa… cũng như là các hoạt động giải trí như đọc sách, xem phim hay karaoke cùng nhau.

Thứ tư, tất cả các thành viên nên được tham gia để lên kế hoạch trong ngày, các bạn nhỏ cũng được tự do lựa chọn các hoạt động, công việc mình muốn làm và có thể làm. Việc được chủ động lựa chọn công việc sẽ giúp các bạn làm việc có trách nhiệm hơn và tự giác hơn.

Cuối cùng, chúng ta nên có thời gian để điểm lại các sự kiện, công việc đã được hoàn thành tốt trong ngày. Đây là thời gian chúng ta thể hiện sự trân trọng và lòng biết ơn dành cho nhau, dành cho các nỗ lực mà mọi thành viên trong gia đình đã cùng nhau hoàn thành.

 

Những ngày đầu, chúng ta có thể sẽ cảm thấy mình chưa vào được khuôn khổ và giữ đúng được nguyên tắc. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta nhận biết được rằng mình cần thay đổi cái gì và đâu là điều mình muốn hướng đến. Đó sẽ là kim chỉ nam giúp chúng ta dần hoàn thiện mục tiêu này.

 

Để được hỗ trợ can thiệp cho trẻ có các rối loạn phát triển xin vui lòng liên hệ trước để đặt hẹn qua các phương thức sau:

📧 Email: info@demo8.thuythu.com
☎ Điện thoại: 0866.045.088
💻 Website: www.psychub.vn/dat-hen

Có thể bạn quan tâm

NUÔI DẠY MỘT THẾ HỆ ONLINE AN TOÀN VÀ TỬ TẾ

“Về căn bản, người dùng Internet thông thường cần biết rằng mọi thứ họ

Học sinh với rối loạn tự kỷ cần những nhu cầu đặc biệt khi học hội nhập

phụ huynh của trẻ ASD lo lắng nhiều về tương tác xã hội của

KỶ LUẬT DÀNH CHO TRẺ MỚI BIẾT ĐI: CHIẾN LƯỢC VÀ THÁCH THỨC

Con bạn đang trong giai đoạn mới biết đi và bé đang gặp các

Chuỗi bài về ABA: Phần 2 – Học về ABC và Thu thập dữ liệu

Chúng ta sẽ đi qua về mô hình ABC trong Phân tích hành vi

Chuỗi bài về ABA: Phần 1 – Giới thiệu về hành vi

Nếu con bạn đang la hét hoặc cắn nhưng bé có ít hoặc không