NIỀM VUI TRONG THỰC TẠI: NGHỆ THUẬT CÓ THỂ GIÚP GÌ CHO NGƯỜI BỊ GIẢM SÚT VỀ TRÍ TUỆ – DEMENTIA
Gail Kenning
[Dementia (sa sút trí tuệ) là một nhóm các rối loạn về não bộ khiến cho chủ thể mất dần các chức năng nhận thức hiện có, đặc biệt là trí nhớ, gây trở ngại nghiêm trọng đến việc thực hiện các hoạt động thường nhật. Tốc độ của việc giảm sút trí tuệ cao hơn so với tốc độ suy giảm do tuổi già. Tuy dementia thường gặp ở ngừoi già nhưng cũng có các trường hợp xuất hiện ở khắp các độ tuổi. Một số các rối loạn nằm trong nhóm dementia: Alzheimer, sa sút trí tuệ do chấn thương, nhiễm trùng, Parkinson, sử dụng chất, tổn thương mạch máu não,… (Brooks et al., 2011) – Chú thích của người dịch]
Các triệu chứng của sa sút trí tuệ thường có nhiều dạng khác nhau và khác biệt đối với từng người. Trước khi có chẩn đoán chính thức, gia đình và bạn bè có thể nhận ra những thay đổi trong hành vi, khí sắc và chức năng thể lý cũng như nhận thức.
Những người có sa sút trí tuệ thường không có khả năng thực hiện các hoạt động thông thường nếu không có hỗ trợ. Đôi khi, những hoạt động như đi mua sắm, gặp bạn bè hay đi xem tranh ảnh cũng cần được lên kế hoạch và phối hợp cẩn trọng.
Khi thân chủ rơi vào trường hợp này, nhiều khi bạn bè sẽ ngưng gọi điện vì họ đơn giản không biết phải nói hay phản ứng như thế nào trước thông tin về chẩn đoán của thân chủ. Tuy nhiên, chính những tương tác với người xung quanh cùng việc tham gia vào các hoạt động giải trí lại mang lại niềm vui và góp phần làm tăng chất lượng sống cho họ. Dù sa sút trí tuệ có thể ảnh hưởng đến hoạt động nhận thức – khiến trí nhớ và khả năng đánh giá bị ảnh hưởng, ngừoi có các vấn đề sa sút trí tuệ vẫn có khả năng cảm nhận niềm vui và thích thú.
Vào năm 2006, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York đã xây dựng một chương trình tiếp cận nghệ thuật đặc biệt dành cho những ngừoi có sa sút trí tuệ nhằm minh chứng những tác động tích cực của việc tiếp xúc với nghệ thuật. Không lâu sau đó, tham khảo từ chương trình trên, Bảo tàng nghệ thuật New South Wales đã chạy một chương trình thử nghiệm hỗ trợ những người có sa sút trí tuệ tham quan các tác phẩm nổi tiếng trong bộ sưu tập của bảo tàng.
Từ đó chương trình liên tục được phát triển. Dứoi sự hướng dẫn của nhà sản xuất chương trình Danielle Gullotta, hàng năm gần 1000 người có sa sút trí tuệ đã có thể đến bảo tàng và xem các tác phẩm nghệ thuật với sự trợ giúp của những người thực hiện chương trình. Những nhân viên hỗ trợ có kiến thức sâu rộng về các tác phẩm cũng như được huấn luyện bởi nhân viên bảo tàng và hiệp hội Alzheimer New South Wales Úc.
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Công nghệ Sydney vừa thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chương trình. Nhóm nghiên cứu thực hiện nghiên cứu định tính quan sát 21 người tham gia trong suốt quá trình họ đến và đi tham quan bảo tàng. (Một nhóm các nghiệm thể và thành viên trong gia đình cũng như những ngừoi chăm sóc sẽ thực hiện một bảng hỏi khác.)
Nghiên cứu cho thấy chương trình trên góp phần làm tăng chất lượng cuộc sống của những người có sa sút trí tuệ thông qua việc đem lại những cơ hội trải nghiệm những niềm vui “tức thời” khi họ xem các tác phẩm nghệ thuật và giao lưu với mọi người.
Những người tham gia cừoi nói và chỉ vào những điểm họ nhận ra trong các bức tranh. Một số ngừoi khác nhớ lại những trải nghiệm trong quá khứ hay liên kết những nội dung trong các bức tranh với các sự kiện trong cuộc sống thường nhật của họ.
“Samuel”, một ngừoi tham gia, tiếp cận các bức tranh một cách rất tinh tế, anh nhận xét bức tranh Sofala của Russell Drysdale mang “tinh thần của nước Úc”.
Người hướng dẫn sau đó hỏi các thành viên còn lại trong nhóm những từ nào có thể được dùng để chỉ bức tranh, mọi người đề nghị “bỏ hoang”, “hoang tàn”, “cô độc”, “thất bại”. Một số ngừoi khác thì thích thú với màu sắc của bức vẽ hay chỉ nói rằng họ cảm thấy bức vẻ rất “đẹp”.
Các nghiệm thể tham gia nghiên cứu (và chương trình) có rất nhiều triệu chứng khác nhau liên hệ đến giảm sút trí tuệ, từ mất trí nhớ tình tiết nhẹ (mild episodic memory loss) cho tới các triệu chứng nặng hơn, bao gồm mất khả năng nói và chịu ảnh hưởng tới chức năng nhận thức và thể lý. Không phải tất cả các nghiệm thể đều có khả năng rành mạch về ngôn ngữ trong những câu trả lời của mình, tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn có thể quan sát những biểu hiện trên gương mặt và cảm xúc của họ.
Một nhóm nhỏ khi được xem bức tranh Bữa ăn sáng của Herbert Badham đã nhớ lại những lần họ chuẩn bị bàn ăn trưa với khăn trải bàn và khăn ăn. Một số các nghiệm thể khác còn cho biết bức tranh được vẽ vào đầu thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Sau đó, ngừoi hướng dẫn còn chia sẻ niềm vui khi chứng kiến cả nhóm dù ban đầu buổi tham quan khá im lặng nhưng sau đó đã trở nên “cởi mở và bắt đầu trò chuyện”.
Chương trình mang đến cho những ngừoi có sa sút về trí tuệ cơ hội được trở nên ‘bình thường’. Bình thường trong bối cảnh này có nghĩa là những người tham gia được đối xử với sự tôn trọng và đúng nhân phẩm, đồng thời những cách nhìn của họ được công nhận và chú ý cho năng lực họ có khác biệt.
Nghiên cứu này không tập trung vào tác động dài hạn của các chương trình tiếp xúc nghệ thuật lên ngừoi có sa sút trí tuệ – cần có thêm nhiều nghiên cứu ở khía cạnh này – tuy nhiên nghiên cứu này nhấn mạnh vào trải nghiệm tức thời của ngừoi tham gia khi tiếp xúc với nghệ thuật trong không gian phòng tranh, bảo tàng.
Nhiều người tham gia chương trình không thể lưu giữ trí nhớ dài hạn về các tác phẩm họ thấy hay những bàn luận được trao đổi. Tuy nhiên, họ vẫn có thể được hưởng lợi từ những trải nghiệm mang lại niềm vui trong không gian bảo tàng, được quan sát nghệ thuật và giao lưu với ngừoi khác. Những điều này có thể có tác động lên đời sống tinh thần của họ ngay cả khi ký ức về những sự kiện đó đã biến mất.
Link nguồn: https://theconversation.com/finding-momentary-pleasure-how-viewing-art-can-help-people-with-dementia-65211
Dịch: Saigon Psychub – Hành Lang Tâm Lý
Tham khảo:
Brooks, B. L., Sherman, E. M. S., Iverson, G. L., Slick, D. J., & Strauss, E. (2011). The little black book of neuropsychology: A syndrome-Based approach.