NỖI SỢ VỀ CÁI CHẾT ĐẰNG SAU CÁC ÁM ẢNH
- Làm sao đối mặt với cái chết
Đây là bài đầu tiên của series “Đương đầu với sự hữu hạn của cuộc sống”. Xuyên suốt series là những bài viết về nỗi sợ cái chết, sợ sự mất mát ở từng độ tuổi và cách để đối diện, đương đầu với cái chết không thể tránh khỏi ở mỗi người. Bài thứ 2 của series sẽ nói về cách giúp trẻ nhận thức, hiểu và thích nghi được dần với cái chết ở một người.
Tác giả
- Lisa Iverach: Hợp tác danh dự tại khoa Tâm lý, Đại học Macquarie và Nghiên cứu sinh tại University of Sydney
- Rachel Menzies: Ứng viên tiến sĩ Tâm lý Lâm sàng tại đại học Sydney
- Ross Menzies: Phó giáo sư của đại học Sydney
Nhận thức được sự hữu hạn của đời sống là một phần trong sự tồn tại của con người. Với tư cách là một tác giả và là một nhà triết học hiện sinh, Irvin Yalom từng nói, chúng ta “sẽ mãi bị ám ảnh bởi việc biết rằng chúng ta sẽ luôn theo trình tự lớn lên, nở rộ – đỉnh cao, và không thể tránh khỏi – xuống dốc và chết.”
Ngày càng có nhiều nghiên cứu tìm hiểu nỗi lo lắng quá mức về những gì cái chết, và sự mơ hồ về thời điểm nó xảy ra, gây ra cho chúng ta. Một học thuyết tâm lý xã hội, được gọi là TMT “Terror management theory – Thuyết kiểm soát sự khiếp sợ”, là một cách giúp chúng ta hiểu nỗi lo lắng trên ảnh hưởng đến hành vi cùng cảm thức bản thân như thế nào.
Cơ chế phòng vệ
Theo học thuyết này, chúng ta quản lý nỗi sợ chết của mình bằng cách tạo ra cảm giác trường tồn và ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta tập trung vào những thành tích cá nhân và thành tựu của những người chúng ta thương yêu; chúng ta chụp vô số hình ảnh nhằm kéo dài ký ức; chúng ta cũng có thể đến nhà thờ và tin vào cuộc sống ở kiếp sau.
Những hành vi này làm tăng giá trị của bản thân chúng ta và giúp ta có được cảm giác mạnh mẽ khi đối diện với cái chết. Tuy nhiên với một số người, những giai đoạn stress hoặc các mối đe dọa đối với sức khỏe của họ, hay của những người thân có thể dẫn tới những cơ chế đương đầu bệnh lý và kém hiệu quả.
Những người này sẽ hướng nỗi sợ chết của họ sang mối đe dọa nào nhỏ và dễ kiểm soát hơn, ví dụ như nhện hoặc vi khuẩn. Những ám sợnày nhìn chung có vẻ an toàn và nằm trong khả năng kiểm soát hơn là nỗi sợ về cái chết.
Điều này hợp lý vì khi chúng ta nhìn kỹ vào các triệu chứng của một vài rối loạn có liên quan đến lo lắng, chủ đề cái chết hiện lên khá rõ.
Khi một đứa trẻ trải nghiệm rối loạn lo âu chia cách, chúng thường gắn sự khiếp sợ mất mát một hình tượng gắn bó quan trọng trong cuộc sống – như cha mẹ hoặc thành viên trong gia đình- với những mối đe doạ hay thảm kịch gây ra bởi tai nạn giao thông, thiên tai hoặc bệnh tật hiểm nghèo.
Người có hành vi hay kiểm tra thái quá sẽ liên tục kiểm tra ổ điện, bếp lò, ổ khóa nhằm nỗ lực ngăn chặn các mối nguy hiểm hay chết chóc. Người có chứng rửa tay cưỡng chế thường có mối bận tâm với các bệnh mạn tính và nguy hiểm đến tính mạng.
Người có rối loạn hoảng loạn thường xuyên phải ghé bác sĩ vì họ sợ mình sẽ chết do đau tim bất cứ lúc nào. Trong khi đó, người có các rối loạn về triệu chứng tâm thể, kể cả những người được chẩn đoán với rối loạn hay nghi ngờ mình mang bệnh nào đó, sẽ thường xuyên đề nghị được kiểm tra sức khoẻ và chụp quét toàn thân nhằm xác định các bệnh nghiêm trọng.
Cuối cùng là các ám sợ thường được mô tả là gắn với nỗi sợ thái quá trước độ cao, nhện, rắn, hoặc máu – tất cả đều gắn kết với cái chết. Các phản ứng ám sợ khi nhìn thấy nhện, ví dụ, thường bao gồm hành động như nhảy, la hét và run rẩy. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, các hành động trên thực ra đại diện cho các phản ứng hợp lý khi đối diện trước mối đe dọa lớn hơn, như nhìn thấy một người mang theo vũ khí.
Cái chết tiềm ẩn
Các bằng chứng cho giả thuyết TMT xuất phát từ những nghiên cứu chứng minh rằng lo lắng về cái chết có thể làm tăng các phản ứng mang tính lo âu và ám sợ.
Những nghiên cứu này dùng kĩ thuật nổi tiếng “Mortality salience induction – Dẫn dắt vào sự hạn hữu của cuộc sống” để xem xét nỗi lo âu về cái chết ở những người có rối loạn lo âu. Kĩ thuật này yêu cầu người tham gia viết lạinhững cảm xúc trỗi dậy khi họ nghĩ về cái chết của chính mình, đồng thời ghi lại chi tiết hình dung của họ những gì sẽ xảy ra khi họ hấp hối và qua đời.
Ám sợ nhện khi đi kèm với kĩ thuật trên, khi so với ám sợ không đi kèm việc nhắc nhớ về cái chết, sẽ tạo phản ứng mạnh hơn khi nhìn thấy nhện ví dụ như tránh né việc nhìn vào hình ảnh có liên quan tới nhện. Người rửa tay thái quá cũng sẽ dành nhiều thời gian hơn để rửa tay và dùng nhiều khăn giấy hơn khi bị kích thích với cái chết.
Tương tự như vậy, người có ám sợ xã hội mất nhiều thời gian hơn để tham gia tương tác với bên ngoài. Sau khi được nhắc về cái chết, họ sẽ đánh giá những khuôn mặt hạnh phúc cũng như giận dữ mang tính đe dọa nhiều hơn – vì chúng biểu thị sự đánh giá– thay vì chỉ là những khuôn mặt trung tính.
Vậy nỗi sợ chết có bình thường hay không?
Khi hiểu được rằng chúng ta rồi cũng sẽ chết ở một thời điểm nào đó, lo âu về cái chết sẽ chỉ đơn giản là một trải nghiệm thường gặp của cuộc đời con người. Với nhiều người trong số chúng ta, nghĩ về cái chết có thể khơi gợi các nỗi sợ chia ly, mất mát, đau đớn, cam chịu và lo âu khi phải bỏ người chúng ta yêu thương lại phía sau.
Theo thuyết TMT, thật ra nỗi sợ này có sức mạnh để khích lệ ta sống một cuộc đời trọn vẹn. Nó khuyến khích ta trân trọng những người ta yêu thương, tạo nên những kỉ niệm lâu dài, theo đuổi niềm hi vọng và những ước mơ, đồng thời khơi phá những tiềm năng nơi bản thân.
Nỗi sợ chết chỉ trở nên bất thường khi nó là nền tảng tạo nên những suy nghĩ, hành vi bệnh lý ảnh hưởng tới đời sống thường ngày. Nhiều người ám ảnh thái quá việc rửa tay hay kiểm tra sẽ dành phần lớn thời gian trong ngàyđể thực hiện những hành vi mang tính nghi thức được tạo ra để làm giảm sự đe doạ từ bụi bẩn, vi khuẩn, lửa, đột nhập hoặc bất kỳ mối nguy nào có thể làm hại họ cùng người thân.
Tương tự, người với các rối loạn ám sợ có thể làm mọi cách để tránh né những gì họ sợ và phản ứng thái quá, đau đớn khi phải đối diện với nó. Khi suy nghĩ và hành vi dẫn đến khiếm khuyết chức năng, lo âu không còn được nhìn nhận là bình thường nữa.
Điều trị cho các rối loạn khác nhau, ví như liệu pháp nhận thức hành vi, cần kết hợp với nhiều phương pháp mới để đề cập trực tiếp tới lo âu về cái chết. Nếu thiếu đi những hướng tiếp cận mới, hình ảnh về cái chết sẽ mãi ám ảnh họ trong suốt cuộc đời, cho tới tận đến khi mọi chuyện đã quá muộn màng.
Link: https://theconversation.com/fear-of-death-underlies-most-of-our-phobias-57057
Dịch A.T-Saigon Psychub