SƠ LƯỢC VÀ MỘT VÀI GÓC NHÌN MỚI VỀ HỆ QUẢ TÂM LÝ CỦA CHIẾN TRANH LÊN NGƯỜI DÂN VIỆT NAM
Chiến tranh Việt Nam đã đi qua hơn 40 năm, cho đến hiện giờ, đa số các nghiên cứu về hệ quả tâm lý của cuộc chiến thường được phân tích bởi góc nhìn của giới khoa học Mỹ và trên binh lính Mỹ.
Nguyên nhân của điều này là do người Mỹ xem cuộc chiến Việt Nam như một bi kịch của riêng họ cùng với việc giới chính trị và quân phiệt Mỹ thường tô vẽ một hình tượng phi nhân tính lên kẻ thù của mình (Merli, 2000).
Trong khi đó, Việt Nam cùng nhân dân Việt Nam cả hai miền đã chịu tổn thất về nhân mạng lẫn vật chất lớn hơn rất nhiều, thời gian trải qua xung đột cũng dài hơn thời gian can thiệp của Hoa Kỳ (Beresford, 1988; Merli, 2000), tuy nhiên số lượng nghiên cứu về hệ quả tâm lý lên người dân và cựu binh Việt Nam ở cả hai miền là rất khan hiếm (Teerawichitchainan & Korinek, 2012). Vì lẽ đó, hi vọng một ít tổng hợp và phân tích về các nghiên cứu trên tác động tâm lý mà ngừoi dân Việt Nam đã chịu do cuộc chiến để lại, cùng việc tìm hiểu chúng ta có thể vượt qua hậu quả chiến tranh như thế nào, có lẽ sẽ là một thông điệp, một lời tri ân có ý nghĩa cho những người đã ngã xuống hay đã và đang chịu đau khổ, mất mát do cuộc chiến gây nên.
Tiêu biểu trong số các nghiên cứu về hệ quả của cuộc chiến trên người dân Việt Nam là Khảo sát Chiều dài ở Việt Nam do Hisrchman và cộng sự thực hiện (Hirschman et al, 1995) ở Khu vực Nam Định-Hà Nam-Ninh Bình. Kết quả cho thấy cuộc chiến và tỉ lệ thương vong làm thay đổi cấu trúc xã hội lẫn gia đình ở Việt Nam (Merli, 2007). Theo Teerawichitchainan (2009) và Guillemot (2009), độ tuổi nhập ngũ ở miền Bắc là khá sớm, từ 15 đến 20 tuổi, và điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và thể lý của họ. Các nguyên do là tham chiến, huấn luyện nặng, công việc nguy hiểm, bệnh dịch, sốt rét, dễ hút thuốc và sử dụng chất gây nghiện (Wilmoth et al. 2010). Như trong các nghiên cứu với cựu binh Mỹ, khó khăn trong tái hoà nhập thời hậu chiến cũng là vấn đề (Frey-Wouters and Laufer 1986). Phần lớn các nghiên cứu của người Việt Nam thực hiện về hệ quả tâm lý do chiến tranh thường tập trung vào tác động của Chất độc màu da cam lên tinh thần của cựu chiến binh. Tôn Thất Tùng cùng cộng sự (1982), Hảo & Martinez (2015) đều chỉ ra đa số cựu chiến binh chịu ảnh hưởng của Chất độc màu da cam đều có rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Trong một khảo sát không chính thức, Hà (2010) cho rằng tổn thương tâm lý của cựu binh trải dài từ rối loạn dạng cơ thể, rối loạn ám ảnh, trầm cảm cho tới hoang tưởng và loạn tâm. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm thấy thông tin xuất bản chính thức cũng như các bằng chứng và phân tích chưa đủ thuyết phục để khẳng định tất cả các yếu tố trên đều bị gây ra do chiến tranh. Đây cũng là vấn đề của các nghiên cứu về hệ quả chiến tranh của Việt Nam, đa số chỉ nằm trong các hội thảo và tạp chí trong nước, không được đăng tải hay nhận xét bởi các tạp chí quốc tế nên phương pháp nghiên cứu cũng như kết quả chưa thể được kiểm định tốt nhất. Một thiếu sót khác của các nghiên cứu về hệ quả tâm lý của chiến tranh ở cả quốc tế và Việt Nam là thiếu tập trung vào những người dân thường, không tham chiến, đặc biệt là thiếu hình ảnh của phụ nữ. Guillemot (2010) đã bàn đến vấn đề hình ảnh của thanh niên xung phong, đặc biệt là các nữ thanh niên xung phong, đã được dựng nên và quên lãng như thế nào trong một xã hội phụ hệ.
Hệ quả của cuộc chiến không chỉ nằm ở một phía. Các binh lính và người dân miền Nam Việt Nam dưới thể chế Cộng Hoà cũng chịu những tổn thương tương tự, đặc biệt với những người phải rời bỏ đất nước sau cuộc chiến. Nghiên cứu cho thấy họ có mức trầm cảm rất cao (Beiser, 1988; Kroll et al;, 1989). Với vị trí là người tị nạn, họ thường phải chịu vị thế xã hội thấp, mang sang chấn do chiến tranh, gặp khó khăn trong hoà nhập do rào cản ngôn ngữ (Kim et al, 2011, 2011). Rumbaut (2000) còn chỉ ra những khó khăn về tâm lý đến từ việc bị buộc phải rời bỏ đất nước, quê nhà.
Vậy, trước những khó khăn về tâm lý mà cuộc chiến để lại, chúng ta đã vượt qua chúng như thế nào? Trong một nghiên cứu vào năm 2011, Teerawichitchainan và Korinek đã thực hiện một khảo sát trên 310 người trên 55 tuổi nhằm tìm hiểu hệ quả của việc tham chiến và sống trong chiến tranh Việt Nam lên sức khoẻ và tinh thần của họ. Dân số nghiên cứu bao gồm cả những cựu binh lẫn thường dân. Các tác giả mong muốn tìm được mối liên hệ giữa sức khoẻ thể lý được đánh giá chủ quan, sức khoẻ chức năng và sức khoẻ tinh thần với các trải nghiệm chiến tranh mà các nghiệm thể có. Kết quả thu được khá bất ngờ, tình trạng sức khoẻ và tinh thần nhìn chung ở các cựu binh lẫn thường dân đều không có khác biệt đáng kể. Kết quả này không những khác với một số nghiên cứu được nêu bên trên mà còn khác với các nghiên cứu ở Mỹ, nơi cựu binh thường xuyên có các bệnh mãn tính, PTSD và tử vong sớm. Phát hiện này không có nghĩa là người Việt Nam không chịu tổn thương bởi chiến tranh mà là những tổn thương này được san sẻ đều cho tất cả mọi thành phần dân số. “Các chiến dịch đánh bom và kế hoạch di tản đồng nghĩa với việc trải nghiệm về cuộc chiến ảnh hưởng đến toàn bộ mọi người”. Giải thích về kết quả này, các tác giả còn cho rằng “thời gian” đóng vai trò rất quan trọng. Thời gian qua đi sẽ hạ thấp mức độ tổn thương do các sự kiện gây sang chấn gây nên. Bên cạnh đó, chiến tranh kết thúc không đồng nghĩa với việc cuộc sống hoàn toàn trở lại bình thường. Các biến động về kinh tế xã hội trong các giai đoạn tiếp theo vẫn diễn ra. Tuy nhiên, những cựu binh, với một vị thế mới, sẽ được bảo vệ và hỗ trợ tốt hơnngười dân thường. Điều này khiến cho những khoảng cách tiêu cực về mặt tâm lý của nhóm dân số này so với thường dân được thu ngắn lại. Ngoài ra, khác với cựu binh Mỹ phải trờ về nhà không kèn không trống và thậm chí phải nhận phản ứng tiêu cực từ xu hướng phản chiến, cựu binh Việt Nam ở miền Bắc được xem là những anh hùng và cả gia đình cùng con cháu được nhận rất nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ. Tuy nhiên, một mặt khác, các cựu binh miền Nam không được nhận những hỗ trợ tương tự và còn gặp phải những vấn đề khác nhau đến từ áp lực xã hội. Điều này chắc chắn dẫn đến những hệ quả nặng nề về tâm lý nhưng đến giờ vẫn không có bất kỳ nghiên cứu nào về nhóm dân số này.
Với bài tóm tắt và tổng hợp trên, hi vọng sẽ đem lại cho các bạn một cái nhìn mới về các hệ quả tâm lý mà người dân chúng ta đã phải gánh chịu do cuộc chiến gây nên. 42 năm đã trôi qua, có những tổn thương đã qua đi nhưng chắc hẳn không ít đau khổ vẫn còn xuất hiện ở nơi này hay nơi khác. Hy vọng chúng ta có thể thông hiểu những khó khăn và cùng nhau hỗ trợ tất cả những người từng bị chiến tranh ảnh hưởng. Từ đó đi tới việc xây dựng một xã hội biết yêu thương, chấp nhận và không làm ngơ trước những đau khổ của người khác.
N.H.A
Tài liệu tham khảo
Beiser, M. (1988). Influences of time, ethnicity, and attachment on depression in Southeast Asian refugees. American Journal of Psychiatry, 145(1), 46–51.
Beresford, Melanie. 1988. Vietnam: Politics, Economics, and Society. London and New York: Pinter Publishers.
Nguyen, D., & Goel, M. (2015). Social determinants and the psychological distress of Vietnamese immigrants. International Journal of Culture and Mental Health, 8(1), 22-33.
Frey-Wouters, Ellen, and Robert Laufer. 1986. Legacy of a War. New York: M.E. Sharpe
Guillemot, Francois. 2009. “Death and Suffering at First Hand: Youth Shock Brigades during the Vietnam War (1990-1975).” Journal of Vietnamese Studies4(3): 17-60.
Guillemot, F. (2010). Trực diện với cái chết và nỗi đau: Vấn đề thanh niên xung phong trong chiến tranh Việt Nam (1950-1975). Tạp Chí Talawas, (Số 2 mùa Xuân), 1-22.
Hảo, L. V., & Martinez, T. S. M. (2015). Hậu quả tổn thương tâm lý ở các cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam. Tạp chí Tâm lý học, (5), 26-35.
Kim, G., Aguado Loi, C. X., Chiriboga, D. A., Jang, Y., Parmelee, P., & Allen, R. S. (2011). Limited English proficiency as a barrier to mental health service use: A study of Latino and Asian immigrants with psychiatric disorders. Journal of Psychiatric Research, 5(1), 104–110. doi:10.1016/j.jpsychires.2010.04.031
Kim, G., Chiriboga, D. A., Jang, Y., Lee, S., Huang, C. H., & Parmelee, P. (2010). Health status of older Asian Americans in California. Journal of the American Geriatrics Society, 58, 2003–2008. doi:10.1111/j.1532-5415.2010.03034.x
Kroll, J., Habenicht, M., Mackenzie, T., Yang, M., Chan, S., Vang, T., … Nguyen, H. (1989). Depression and posttraumatic stress disorder in Southeast Asian refugees. American Journal of Psychiatry, 146, 1592.
Merli, M.G. 2000. “Socioeconomic Background & War Mortality during Vietnam’s wars,” Demography 37:1-15.
Teerawichitchainan, Bussarawan. 2009. “Trends in Military Service in Northern Vietnam, 1950- 1995: A Socio-Demographic Approach” Journal of Vietnamese Studies. 4(3): 61-97.
Teerawichitchainan, B., & Korinek, K. (2012). The long-term impact of war on health and wellbeing in Northern Vietnam: Some glimpses from a recent survey. Social science & medicine, 74(12), 1995-2004.
Tôn Thất Tùng, Tôn Đức Lang, Đỗ Đức Vận & Nguyễn Thị Phương (1982). Hậu quả chiến tranh hoá học của người Mỹ trên người Việt Nam .Tạp chí Y học thực hành. No 4, 1982, tr. 34-38.
Wilmoth, Janet, Andrew S. London, and Wendy M. Parker. 2010. “Military Service and Men’s Health Trajectories in Later Life.” Journal of Gerontology: Social Sciences 10.1093: 1- 12.