TẠI SAO CHÚNG TA LẠI SỢ ĐI MÁY BAY (PHẦN I)
NATHAN FEILES
Ngày nay, sợ đi máy bay là một vấn đề ngày càng lan rộng trên thê giới. Tôi [Nathan Feiles] đã trị liệu cho nhiều thân chủ trước đây tránh đi máy bay bằng mọi giá hay chịu bay, nhưng phải đồng thời chịu sự sợ hãi, khó chịu, lo âu và căng thẳng rất lớn.
Nhưng đâu là suy nghĩ khiến chúng ta sợ hãi đến thế? Dù tai nạn vẫn có xảy ra nhưng chúng cực kỳ hiếm. Bên cạnh đó, khi có những vấn đề nảy sinh trong chuyến bay, máy bay vẫn thường hạ cánh an toàn và không có thương vong. Máy bay hiện được biết là phương tiện giao thông an toàn nhất dù người ta vẫn sợ nó đến độ xem việc sống sót sau mỗi chuyến bay là điều gì đó rất may mắn.
Làm cách nào để bạn biết mình sợ đi máy bay?
VIỆC SỢ ĐI MÁY BAY CÓ ẢNH HƯỞNG CUỘC SỐNG CỦA BẠN HAY KHÔNG?
Có một vài cách để biết liệu nỗi lo sợ này có ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn hay không. Rõ ràng nhất là việc bạn từ chối bước chân lên máy bay. Như đã đề cập, những người sợ đi máy bay vẫn có thể đi máy bay, nhưng để làm vậy, họ phải chịu đựng một lượng lớn sự khó chịu về cảm xúc. Họ thường lỡ những sự kiện quan trọng – đám cưới, lễ tang, lễ tốt nghiệp, họp mặt, du lịch, thăm viếng, phỏng vấn, cùng những buổi gặp gỡ chính thức hay không chính thức khác – nếu buộc phải đi máy bay.
Một số sẽ tổ chức cuộc sống sao cho không bao giờ phải đụng đến máy bay. Điều này có nghĩa là họ sẽ tránh di chuyển với khoảng cách lớn suốt cuộc đời mình, trừ khi cơ hội là quá hấp dẫn, vì đi máy bay sẽ là một phần trong quá trình thay đổi vị trí, dù với mục đích công việc, tìm nha ở hay đi lại.
Dựng lên những lý do để tránh việc đi lại có thể là lớp mặt nạ của nỗi sợ bay. Nếu một chuyến đi xem ra rất hấp dẫn nhưng việc đi máy bay níu chân bạn lại, thì đây là một vấn đề cẩn phải tìm hiểu.
Theo tâm lý học, nỗi sợ bay thường không phải là nỗi sợ bị rớt (máy bay), ngay cả khi nó được biểu hiện ra như vậy. Thực tế, rất nhiều người công khai nói rằng nếu máy bay bay cách mặt đất 50 feet (15 mét) thay vì 36000 feet (11km), họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Vì thế, khi chúng ta cảm thấy vững chắc (gần mặt đất) hơn, và vì vậy, có nhiều quyền kiểm soát hơn thì yếu tố rơi máy bay xem ra ít liên quan hơn trước.
Nhân tố đầu tiên trong ám sợ này là hiểu được có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc sợ đi máy bay – thiếu kiểm soát, sợ độ cao hay sợ rơi, cảm giác không vững chải, sợ khoảng kín, vấn đề về niềm tin, sợ bị kẹt, sợ hoảng loạn hay bị bệnh nơi công cộng, v.v. Nó thường bao gồm nhiều vấn đề khác nhau thay vì chỉ là một rắc rối đơn thuần. Khái niệm về rớt máy bay thường là việc thảm họa hóa mang tính biểu tượng những vấn đề thực tế. Ví dụ: Vài người cảm thấy nếu họ không kiểm soát được việc gì thì việc đó sẽ đổ vỡ.
Vậy nếu không tự tay lái máy bay (hoặc không hiểu cách thức máy bay vận hành), chúng ta sẽ có cảm giác mình sẽ bị rớt. (Những lý do bên dưới của ám sợ bay cũng biểu hiện trong các khía cạnh khác của cuộc sống, nhưng chúng chỉ được phóng đại khi đi máy bay).
Điều này giúp chúng ta hiểu được khái niệm ám sợ. Ám sợ thường không dựa trên logic. Chúng ta có thể biết được một cách logic điều gì là không nguy hiểm, nhưng vẫn cảm thấy cảm giác bị đe dọa. Kiểu đe dọa này được gọi là “hiểm họa cảm giác”.
Với những nguy cơ có thật, chúng ta gặp nguy hiểm một cách chủ động và cơ chế “đánh hay chạy” sẽ được kích hoạt. Ví dụ: việc bị nhốt trong chuồng với cọp và sư tử là một nguy hiểm thật sự. Còn với đi máy bay, dù việc máy bay rơi (dù rất hiếm) là hoàn toàn khả thi về mặt toán học và thực tế con người; tuy nhiên, dường như chẳng có gì tương đồng với trường hợp trước.
Mức độ tràn ngập cảm xúc mà vài người có thể cảm nhận được khi đi máy bay sẽ khiến ta thấy việc sống sót khi máy bay hạ cánh an toàn là điều gì đó rất may mắn – y như việc bị khóa chung với hổ, sư tử (và cả gấu, nếu bạn muốn) mà vẫn sống để thuật lại. Với hiểm họa cảm giác, cơ chế “đánh hay chạy” của chúng ta vẫn được kích hoạt dù ta không gặp nguy hiểm một cách chủ động. Điều này kéo theo nhiều triệu chứng sinh lý khác nhau.
Một điểm khác cần tìm hiểu trong vấn đề căng thẳng là việc tưởng tượng quá mức. Nhiều người có chứng ám sợ bay chịu tác động của hiện tượng này. Họ bắt đầu hình dung dựa trên những cảnh tượng được thấy trên TV hay phim ảnh, hoặc tự chế ra những hình ảnh sáng tạo. Những kiểu suy nghĩ xuất hiện trong trí óc chúng ta khi cảm thấy mất kiểm soát tình huống thật đáng kinh ngạc. Học cách chế ngự trí tưởng tượng phong phú là một trong những bước quan trọng để chinh phục ám sợ máy bay.
Thêm vào đó, phương tiện truyền thông cũng có thể phóng đại những nỗi sợ đã có, và tạo ra những nỗi sợ hãi chưa có. Máy bay là mỏ vàng để báo chí khai thác. Nhà báo biết rằng – chúng ta càng sợ hãi, chúng ta càng quan tâm đến các câu chuyện, và rôi chúng ta lại càng lo sợ thêm vì đã lỡ chú ý đến chúng. Kết quả là chúng ta trở nên dễ bị tác động bởi những tin giật gân (và ít giá trị) về hàng không, cũng như phớt lờ những tin chính thống đề cập đến sự an toàn. Chúng ta càng nghe những tin nóng hổi đó kèm với những hiểm họa cảm giác đi kèm bao nhiêu thì nỗi sợ bay của chúng ta càng được củng cố bấy nhiêu.
Tóm lại, sợ đi máy bay là một ám sợ phổ biến, có rất nhiều những yếu tố tâm lý khác nhau góp phần tạo ra và củng cố môi trường ám sợ này. Phần 2 chúng ta sẽ bàn luận một vài bí ẩn xung quanh việc đi máy bay và một số các chiến lược giúp chúng ta kiểm soát cảm xúc trước và trong chuyến bay.
Link nguồn: http://psychcentral.com/blog/archives/2012/06/09/why-we-fear-flying-part-1/
Dịch: Saigon Psychub – Hành Lang Tâm Lý