TẠI SAO CHÚNG TA LẠI SỢ ĐI MÁY BAY (PHẦN II)
Cải thiện nỗi sợ đi máy bay
Phần trước chúng ta đã tìm hiểu điều gì đứng sau việc sợ đi máy bay: Để bay một cách thoải mái, chúng ta cần có khả năng tìm hiểu nhận thức và tiến trình cảm xúc nằm bên dưới, giảm nhẹ những triệu chứng cảm xúc và sinh lý bị kích hoạt bởi ám sợ, đồng thời giải quyết những hiểm họa cảm giác tạo thành sự sỡ hãi.
Khi không được chú ý, những yếu tố trên nuôi dưỡng lẫn nhau và khiến cho trải nghiệm việc đi máy bay của chúng ta trở nên khó chịu về mặt nhận thức, thể lý và cảm xúc. Nói tóm lại, đây chính là nỗi sợ đi máy bay.
Sợ đi máy bay?…Không còn như vậy nữa! là một chương trình do tôi thiết kế để giải quyết trực tiếp những phương diện nhận thức, cảm xúc và sinh lý bị rối loạn trong khi bay. Bên cạnh công việc là nhà trị liệu, Tôi cũng từng làm việc và hiện đang nghiên cứu về hàng không, bao gồm việc đều đặn lái máy bay và điều khiển máy bay lập trình. Những kiến thức này giúp tôi phối hợp những công cụ từ cả trị liệu và hàng không nhằm giải quyết việc sợ đi máy bay của mọi người.
Chương trình sử dụng nhiều kỹ thuật trị liệu khác nhau kết hợp với việc dạy cho hành khách cách đi máy bay. Mục đích là nhằm xây dựng khả năng kiểm soát tình huống và khả năng làm chủ toàn bộ trải nghiệm bay cùa hành khách. Một vài người còn thấy chương trình này khiến việc đi máy bay trở nên thích thú hơn, mặc dù chính họ hơn mấy chục năm đã không bước lên máy bay.
HIỂU BIẾT VỀ VIỆC ĐI MÁY BAY
Một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa chương trình này và các tiếp cận khắt khe có nền tảng trị liệu chính là việc giáo dục cách đi máy bay cho hành khách. Nhằm chinh phục những “hiểm họa cảm giác” (có thể là tác nhân khả dĩ nhất của ám sợ máy bay), trong tiến trình cần phải bao gồm việc hiểu được hoàn cảnh bay của chúng ta. Mặc dù có những kỹ thuật trị liệu có thể giúp giảm nhẹ những suy nghĩ và cảm xúc rối loạn, nhưng nếu chúng ta không nắm được hoàn cảnh tổng thể thì việc bị rơi vào sợ hãi và lo âu rồi tìm cách đối đầu với nó sẽ không có mấy giá trị khi chính ra ta có khả năng phòng tránh căng thẳng ngay từ đầu khi có được một số thông tin. Nếu bạn NGHĨ bạn bị nhốt chung với cọp, thay vì phải đương đầu với một nỗi sợ hãi không cần thiết, liệu có phải sẽ thoải mái hơn khi nhận ra bạn chỉ đang ở bên cạnh một chú mèo? Vậy để giảm thiểu những hiểm họa cảm giác và tránh những lo sợ không cần thiết, chúng ta cần điều chỉnh nhận thức của mình về tổng thể hoàn cảnh trở nên gần hơn với thực tế. Sau đây là một vài ví dụ.
Bí ẩn về Không gian: Sau khi máy bay cất cánh, tôi cảm thấy máy bay bị rơi nhẹ.
Nhiều người thường hay hỏi về cảm giác “rơi” xảy ra ngay sau khi cất cánh. Sự thật là khi bay lên, máy bay cần nhiều năng lượng hơn mức bình thường. Vậy nên sau khi máy bay cất cánh khoảng 30 giây, phi công sẽ giảm tốc độ lại. Việc giảm sức đẩy này được cơ thể trải nghiệm như một cảm giác “rơi”; tuy nhiên, thật ra máy bay vẫn đang bay lên.
Đây chính là một ví dụ minh họa cho việc mở rộng hiểu biết sẽ giúp kiểm soát cảm xúc. Thay vì phải đương đầu với những hậu quả cảm xúc từ việc bóp méo thực tế, nắm được điều gì đang thật sự xảy ra sẽ hữu dụng hơn. Từ đó, chúng ta có thể giảm nhẹ những hiểm họa cảm giác với kiến thức đúng đắn – đồng thời vẫn có trong tay những kỹ thuật khác giúp giải quyết bất kỳ vấn đề cảm xúc nào còn tồn đọng.
Bí ẩn về Thư giãn: Các bài tập thở không giúp gì được cho tôi khi tôi cảm thấy sợ hãi lúc ở trên máy bay.
Việc một số người cảm thấy khó để tin rằng một chuyện đơn giản như hít thở cũng giúp ổn định tinh thần là hoàn toàn có thể hiểu được. Điều hòa nhịp thở là rất quan trọng trong việc thư giãn nhận thức, thể lý và cảm xúc. Là một phần trong phản ứng “đánh hay chạy”, lo âu và sợ hãi sẽ khiến hơi thở của chúng ta trở nên nhanh và không sâu (điều này chuẩn bị về mặt thể lý cho chúng ta để “vào trận” hay “cao chạy xa bay”). Nếu chúng ta điều chỉnh nhip thở của mình, chúng ta sẽ tạo ra một môi trường thể lý cho việc thư giãn tổng thể. Thiền định được dựa trên nguyên tắc là không thể cảm nhận cùng lúc hai trạng thái cảm xúc xung đột nhau – chúng ta không thể cảm thấy sợ hãi nếu chúng ta thư giãn. Như vậy, những bài tập thở (có rất nhiều loại khác nhau) là kỹ thuật hữu ích giúp chúng ta yên tâm hơn trong khi bay.
Bí ẩn về Cảm xúc: Nỗi lo âu và sợ hãi của tôi sẽ kéo dài chừng nào tôi vẫn còn ở trên máy bay
Tin hay không thì tùy, điều này không hề đúng. Trị liệu nhận thức hành vi thông qua nhiều kỹ thuật đã chứng minh rằng chúng ta có thể vượt qua nỗi lo sợ của bản thân bằng động lực và quyết tâm. Trị liệu đối mặt, kỹ thuật giải mân cảm, tái cấu trúc nhận thức,v.v … là những tiếp cận được trang bị đặc biệt để giảm nhẹ những rối loạn cảm xúc trong các tình huống cụ thể.
Bí ẩn về việc Bình thường hóa: Tôi may mắn vì sống sót sau chuyến bay
Điều này cũng không chính xác; tuy nhiên, những người sợ đi máy bay thường cảm thấy việc họ sống sót sau mỗi lần bay là nhờ may mắn. Điều này làm nổi bật một yếu tố khác giúp vượt qua sợ hãi được thực hiện trong giáo dục hàng không; “bình thường hóa”. Một trong những lý do chúng ta sợ bay là vì chúng ta ít làm việc này. Nhìn chung, khi chúng ta không đi máy bay, chúng ta hoàn toàn ở ngoài khung cảnh của máy bay, điều này tạo ra ảo giác về mặt tâm lý rằng việc đi máy bay “họa hoằn lắm” mới xảy ra. Thế nhưng, việc đi máy bay là hoạt động rất thông thường và định kỳ giống như thức dậy và đi làm mỗi ngày. Một phần của tiến trình chinh phục ám sợ bay là nhập tâm hóa bản chất thông thường của việc đi máy bay. Vì thế, chương trình của tôi chú trọng đến những bài tập “bình thường hóa’ như một phần của yếu tố giáo dục trong việc giảm nhẹ những hiểm họa cảm giác.
Có thể thấy trong những điều chúng ta vừa bàn luận, việc sử dụng tổng hợp các phương pháp thay vì chỉ một phương thức đơn lẻ là rất cần thiết để hóa giải những yếu tố gây ra ám sợ bay. Với cách tiếp cận này, chúng ta có khả năng kiểm soát nhận thức, cảm xúc và thể lý của bản thân nhằm đem lại sự thư giãn, thoải mái, và thậm chí còn trở nên thích thú với những trải nghiệm bay của mình trong tương lai.
Link nguồn: http://psychcentral.com/blog/archives/2012/06/10/why-we-fear-flying-part-2/
Dịch: Saigon Psychub – Hành Lang Tâm Lý