TÂM TRÍ CỦA KẺ KHỦNG BỐ
SARAH KERSHAW
Điều gì lại khiến một người tự sát và kéo theo những người vô tội?
Câu hỏi này một lần nữa lại trở nên nhức nhối sau những vụ đánh bom liều chết ở Afghanistan, vụ nổ bom xe tại một sân chơi đông đúc tại Pakistan, một người Nigeria định cho nổ bom máy bay ở Detroit (2010), tấn công khủng bố tại Tunisie và mới đây là tại Paris làm 158 người thiệt mạng (2015).
Cho tới gần đây, ngành khoa học tâm lý về khủng bố phần lớn vẫn còn nằm trên lý thuyết. Việc tìm kiếm chủ thể để nghiên cứu không phải là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều tiếp cận với các thành phần khủng bố và một ngành khoa học sơ khai đã dần thành hình.
Nhiều thành phần khủng bố trong quá khư nay đã lên tiếng một cách công khai về những trải nghiệm của bản thân. Hàng chục ngàn thành phần khủng bố đang tham gia các chương trình “giải thể- cực đoan” (de-radicalization) trên khắp thế giới, họ đang được phỏng vấn, tham vấn và là đối tượng để đánh giá tâm lý, điều này mang lại cơ hội thu thập các dữ liệu thực tế về nhóm đối tượng trên.
Tuyên truyền khủng bố đang tràn ngập trên Internet và nhiều người đồng thuận với chủ nghĩa cực đoan đang trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận. Có cả một mạng lưới các kênh truyền hình cáp khủng bố được các nhóm cực đoan thực hiện, đồng thời các nhà nghiên cứu cũng tiếp cận những lá thư hay các đoạn phim “tuyệt mệnh” do những kẻ đánh bom liều chết để lại cùng những bảng ghi chép trong các phiên tòa.
Các nghiên cứu mới này có những hạn chế của nó. Định nghĩa về cực đoan – mà đa phần là các tay súng Hồi giáo – rất khó để xác định. Các nhà nghiên cứu cũng có những bất đồng trong việc nhận định con đường dẫn đến cực đoan. Một số người tin rằng nguyên nhân là do tôn giáo, một số lại quy về chính trị và quyền lực, trong khi số khác lại đi theo các tác động do tâm lý và xã hội.
Tuy động lực khủng bố có thể vô cùng khác biệt nhưng một số các đặc tính đã được xác định như sau.
1. CON ĐƯỜNG DẪN TỚI BẠO LỰC
Dù không có hồ sơ của những thành phần khủng bố, đa phần các nhà khoa học đều đồng thuận về các tác nhân nguy cơ dẫn đến hiện tượng này. Họ sử dụng thuật ngữ “sự chuyển giao thế hệ” trong niềm tin của những kẻ cực đoan do GS tâm thần học, tâm lý học chính trị và thông tin quốc tế Jerrold M. Post, thuộc ĐH George Washington tạo ra. Hiện tượng này bắt đầu từ tuổi thơ ấu; một cảm giác “nạn nhân hóa” và tách biệt; niềm tin rằng chính những vi phạm đạo đức của kẻ thù sẽ biện minh cho bạo lực với mục tiêu hướng đến “tình trạng đạo đức tối ưu hơn”; niềm tin rằng sắc tộc, tôn giáo hay nhóm quốc gia của thành phần khủng bố là “đặc biệt” và bị đe dọa “tuyệt diệt”, đồng thời họ cũng thiếu quyền lực về mặt chính trị để đem lại những thay đổi bằng con đường phi bạo lực.
Nghiên cứu còn cho thấy một vài kẻ khủng bố có tư tưởng tội phạm và từng sống như tội phạm trước đây. Nghịch lý ở chỗ, theo một nghiên cứu mới, chính lo âu về cái chết lại đóng một vai trò quan trọng trong việc “nhồi sọ” những tên khủng bố và các kẻ đánh bom liều chết – nỗi sợ vô thức về cái chết, về việc không để lại di sản cho hậu thế.
Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý rằng dù ít có khi nào xảy ra đột ngột nhưng vẫn có những yếu tố kích thích làm đẩy nhanh tiến trình cực đoan hóa – ví dụ, việc một người bạn hay họ hàng bị giết chết do chính trị.
Ervin Staub, giáo sư tâm lý danh dự thuộc ĐH Massachusetts, người vừa hoàn thành một cuốn sách về động lực của khủng bố và xung đột, đã xác định 3 dạng khủng bố chủ yếu. “Nhóm Lý tưởng” đồng nhất với việc một số nhóm sắc tộc chịu đau khổ. “Nhóm Phản ứng” phản ứng lại những kinh nghiệm đã xảy ra với nhóm của mình (Như việc họ lớn lên trong một trại tị nạn hay nhìn thấy họ hàng bị sát hại; họ cũng có thể phản ứng lại một sự kiện sang chấn không liên quan trong quá khứ, như bị lạm dụng.) Cuối cùng, “Nhóm Vô hồn” là những người lang bạt, bị cô lập hay lưu đày, họ tìm kiếm mục đích cuộc đời nơi các nhóm cực đoan. TS Post cho rằng nhóm cuối cùng là “mảnh đất màu mỡ” cho những kẻ tuyển mộ khủng bố.
Clark McCauley, GS tâm lý học tại ĐH Bryn Mawr, cho rằng có 4 quỹ đạo chính: “cách mạng”, những người hành động xuyên suốt với cùng một lý tưởng; “lang thang”, những người tham gia hết nhóm cực đoan này đến nhóm khủng bố khác, bất kể lý tưởng của các nhóm đó là gì; “cải đạo”, những người bất chợt tham gia phòng trào cực đoan; và “tuân thủ”, những người tham gia vì sự thuyết phục của bạn bè hay họ hàng.
2. CUỘC SỐNG TRONG NHÓM
Thay vì cá nhân, nhân diện tập thể mới là chủ đề thu hút nhiều sự chú ý nhất trong những năm qua. Chỉ trong những trường hợp hiếm hoi, như kẻ đánh bom đơn độc, Ted Kaczynski, và tên bắn tỉa Washington, John Allen Muhammad, mới tự mình hành động mà không dính líu tới một nhóm. (Kẻ đánh bom đơn độc được chẩn đoán có tâm thần phân iệt dạng hoang tưởng. Trong khi đa phần các nhóm khủng bố, theo các chuyên gia, thường loại bỏ những kẻ bất ổn về tâm thần; họ thậm chí còn ưu tiên lựa chọn những kẻ có tiếng tăm để thực hiện những nhiệm vụ liều chết. Chúng cho rằng việc đưa những kẻ có nhiều thứ để mất thực hiện nhiệm vụ sẽ làm tăng tính tin cậy của lý tưởng chúng theo đuổi.) Đa phần các nhà nghiên cứu đồng ý rằng lý giải nguyên nhân của hành động cực đoan, dù bằng giáo điều tôn giáo hay thế tục, đều được phát triển và lan rộng thông qua sự vận động của nhóm.
Internet đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng con số các nhóm thánh chiến, nhiều nhóm là nhánh của những mạng lưới lớn hơn hay được kích động bởi Al Qaeda. TS. Post cho rằng Internet đã khơi mào cho điều mà ông gọi là “cộng đồng ảo thù hận”
Marc Sageman, bác sĩ tâm thần, cựu nhân viên CIA và là học giả về Al Qaeda, cho rằng lý thuyết về nhân cách là không đủ để giải thích cho chủ nghĩa khủng bố – chỉ có hiểu được tác động của nhóm lên cá nhân mới giúp chúng ta nhận ra nguyên nhân của hiện tượng này.
Một lý thuyết cho rằng khi cá nhân tham gia nhóm, họ thường dễ đưa ra các quyết định liều lĩnh hơn vì họ cho rằng mối nguy sẽ được san sẻ và vì thế, sợ hãi sẽ giảm thiểu. Khi nhóm trở nên cực đoan hơn, cá nhân cũng sẽ biến đổi tương tự, họ sẽ cảm nhận sức ép xã hội kinh khủng khiến họ phải đồng ý với quyết định của nhóm.
Đồng thời, nhóm có thể đem lại tình đồng chí và cảm giác có ý nghĩa. Nhóm có thể trở nên vô cùng gắn kết dưới sức ép của sự đe dọa và cô lập. Lập luận chống khủng bố như Cựu tổng thống George W. Bush khi ông mô tả chiến lượng chống Al Qaeda — “hun khói chúng, khiến chúng chạy thoát thân và mang chúng ra công lý” – thường chỉ khiến cho nhóm thêm gắn kết mà thôi. Xâm lược và leo thang các chiến dịch chống khủng bố cũng vậy, những điều này chỉ khiến những kẻ ủng hộ tiếp tục tham gia vào nhóm. Đa phần các nhóm khủng bố nhanh chóng sụp đổ vì xung đột nội bộ, theo các chuyên gia. Tuy nhiên những nhóm hoạt động ngầm, tách biệt khỏi các nhóm cạnh tranh và khỏi các ý kiến từ bên ngoài thuồng phát triển bền vững nhất. Dưới tác động của một lãnh đạo lôi cuốn, danh tính và tinh thần của cá nhân sẽ được thay thế bằng các đặc tính của nhóm.
3. NHỮNG CÂU HỎI VỀ ĐẠO ĐỨC
Vở kịch “The Just” của Albert Camys thường được trích dẫn để lý giải cho phức cảm đạo đức của khủng bố. Vở kịch thuật lại câu chuyện về vụ ám sát một bá tước người Nga do một nhóm cách mạng thực hiện năm 1905. Tay ám sát định giết bá tước khi ông đang ngồi trên xe ngựa một mình. Tuy nhiên, cháu trai và cháu gái của bá tước lần này lại cùng đi với ông. Tên ám sát trở về và tìm cách giết ông khi ông ở một mình. Điều này được John Horgan, giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cưú về Khủng bố tại ĐH Bang Pennsylvania, gọi là “giới hạn nội tại” của khủng bố.
Trong một cuốn sách xuất bản năm 2009, TS Horgan thu thập danh tính 29 cựu khủng bố, nhiều người đã thoát ly khỏi các nhóm như Quận Đội Cộng Hòa Ireland (IRA) hay Al Qeada. Ông nhận thấy khủng bố phải tin rằng bạo lực chống lại kẻ thù hoàn toàn không có gì trái với đạo đức, tuy nhiên, họ cũng tự có những giới hạn, những điều mà họ không nhận ra cho tới khi đã nhúng qua sâu vào nhóm.
Một số tên khủng bố chấp nhận việc giết các quân nhân đang không tham gia chiến trận nhưng lại ghê tởm việc giết hại động vật. Một số chỉ thấy thoải mái khi con số thương vong hạn chế. Khi một kẻ hướng dẫn đánh bom của IRA được yêu cầu giết một viên cảnh sát có mẹ là góa phụ, hắn cho biết hắn có cảm giác mình “phải trả giá cho hành động đó”. Hắn bắt đầu lẩn trốn khi IRA giết một cảnh sát đang mang thai và hắn nghe cấp trên của mình nói “Chúng ta vừa giết 1 được 2.”
Một số kẻ khủng bố được TS Horgan phỏng vấn cho biết chỉ tỉnh ngộ khi những thành viên khác trong nhóm bắt đầu trộm cướp các ngân hàng. Chính việc trộm cướp chứ không phải giết chóc mới khiến họ khó chịu.
David C. Rapoport, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại ĐH California, Los Angeles, và là chuyên gia kì cựu về khủng bố và đạo đức, cho rằng chung quy tất cả đều là tính toán về đạo đức, điều này được dẫn từ kết luận cho rằng kẻ thù của những kẻ khủng bố đã “làm điều gì đó rất tệ hại, rất kinh khủng đến độ họ phải chịu hình phạt.” Chính sự dao động về đạo đức gây chia rẻ và khiến nhóm giải tán.
Nếu mục tiêu của bạn là tạo ra một thế giới mà đa phần sẽ người vô tội (họ là những thành viên thuộc nhóm bạn chống đối), nhưng bạn phải giết họ để đạt được mục tiêu ấu, về cơ bản, bạn đang tự ủy hoại giấc mơ của mình, TS Rapoport chia sẻ. Dù vậy, ông cho rằng nhiều kẻ khủng bố tin rằng “con đường dẫn tới thiên đàng là đi qua hỏa ngục.” Và để giết người hay vi phạm bất cứ chuẩn mực đạo đức cá nhân nào của họ, họ phải tin rằng, một cách tổng thể, họ sẽ đạt được một tình trạng đạo đức ưu việt hơn cho nhóm hay cho xã hội
4. NHỮNG KẺ ĐÁNH BOM LIỀU CHẾT
Một khi đã là khủng bố thì rất khó để hoàn lương. Điều này đặc biệt đúng với những kẻ đánh bom tự sát trong tương lai. Một khi đã được giao nhiệm vụ tử thần thì họ bắt đầu được xem như là “những kẻ tử đạo sống”. Rút lui sẽ kéo theo vô vàn tủi hổ và nhục nhã.
Fathali M Moghaddam, giáo sư tâm lý ĐH Georgetown, trong nỗ lực tìm hiểu tiến trình cực đoan hóa, đã mô tả “nấc thang thành khủng bố” như sau: Các bậc sẽ hẹp dần khi lên tới đỉnh, với mỗi bước đi bạn sẽ còn khó quay lại. Cũng giống việc giết chóc, có nhều cách diễn dịch khác nhau trong Đạo Hồi về giáo lý Hồi giáo về việc tự sát. Các học giả tôn giáo cho rằng Kinh Koran cấm tự sát. Tuy nhiên nhiều nhóm Hồi Giáo cho rằng bằng cách xếp những kẻ đánh bom vào hàng tử vì đạo, hành động tự hoại của họ sẽ trở thành hợp lý vì đó là một dạng tự hi sinh và vì đó là cái chết đầy vinh quang trong trận chiến chống lại những kẻ ngoại đạo. Nhiều nghiên cứu mới cũng quy trách nhiệm hiện tượng trên cho những động cơ khác mang tính cá nhân và tạm thời hơn, như mong muốn được vinh danh, hi sinh cho lãnh đạo, trả thù, áp lực đồng đẳng (lần đầu được ghi nhận như một động lực nơi hàng ngũ phi công Nhật thực hiện các chuyến bay tự sát), đồng thời các nghiên cứu cũng ủng hộ giả thuyết cho rằng nhóm khủng bố thường hứa hẹn đãi ngộ đặc biệt cho gia đình của những kẻ tử vì đạo sau khi họ chết.
Arie W. Kruglanski, giáo sư tâm lý học thuộc ĐH Maryland, College Park, chuyên nghiên cứu các đoạn băng tuyệt mệnh của những kẻ đánh bom liều chết đồng thời phỏng vấn mẹ của họ, cho rằng động lực bao trùm của những kẻ đánh bom là mong muốn tìm kiếm ý nghĩa của bản thân, ước mong tuyệt vọng về một cuộc sống có ý nghĩa dường như chỉ thành hiện thực khi họ đến với cái chết.
5. TỪ BỎ KHỦNG BỐ
TS Horgan đã dẫn đầu nhiều nghiên cứu về hiện tượng ly gián – những thành phần khủng bố từ bỏ tổ chức. Ông kết luận rằng những kẻ khủng bố có thể từ bỏ bạo lực mà không cần phải từ bỏ quan điểm cực đoan của mình, ông cũng nhận thấy một số rút lui sau khi bắt đầu tỉnh ngộ trước thực tế cuộc sống trong những phòng trào khủng bố.
TS Horgan cho biết, những lý do mà thành phần khủng bố quay lưng lại với cuộc sống cũ giúp đem lại cái nhìn sâu sắc về cách thức họ suy nghĩ, bên cạnh đó, niềm tin của họ cũng dễ thay đổi hơn so với lúc trước.
Những người được tuyển mộ thường được hứa hẹn về những chuyên phiêu lưu đầy hứng khởi và hào nhoáng cùng với cơ hội thay đổi thế giới. Nhưng những gì họ nhận thấy chỉ là các nhóm khủng bố đầy chia rẽ với những ganh ghét và tranh đua cá nhân. Đồng thời, cuộc sống thì vô cùng buồn chán. Cuối cùng bạn chỉ ngồi yên, uống trà trong nơi trú ấn. Với những người duy trì được sự hiện diện bên ngoài nhóm, áp lực về một cuộc sống hai mặt có thể khiến họ kiệt sức. Bằng nhiều cách, khi họ già đi, họ sẽ nhận ra những ưu tiên của mình dần thay đổi – ví dụ, họ bắt đầu muốn lập gia đình. Họ sẽ nhận ra những mục tiêu của nhóm dường như khó có thể đạt được và khi nhóm dần trở nên cực đoan hơn, họ sẽ đạt tới giới hạn đạo đức của bản thân.
Một trường hợp minh chứng là cựu thành viên Al Qaeda đã nói với Horgan rằng khi anh ta tới Afghanistan để chiến đấu, anh nhận ra rằng trẻ em và người già bị ép phải cầm súng. “Hình ảnh về một phong trào toàn hảo, vô song và cao quý nhận lấy cái tát đầu tiên”, TS Horgan cho biết.
Nguồn: http://www.nytimes.com/2010/01/10/weekinreview/10kershaw.html?_r=0
Những bài khác cùng chủ đề:
KHỦNG BỐ DƯỚI GÓC NHÌN TÂM LÝ HỌC – PHẦN 1: CẠM BẪY TỪ SỰ SỢ HÃI
http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/01/khung-bo-duoi-goc-nhin-tam-ly-hoc-1.html
KHỦNG BỐ DƯỚI GÓC NHÌN TÂM LÝ HỌC – PHẦN 2: VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP
http://hanhlangtamly.blogspot.com/2015/01/khung-bo-duoi-goc-nhin-tam-ly-hoc-2.html