THIẾT LẬP THÓI QUEN TÍCH CỰC CHO TRẺ TRONG MÙA GIÃN CÁCH
Góc nhìn khác về giai đoạn giãn cách xã hội
Ngoài các mặt hạn chế nhất định của giai đoạn giãn cách xã hội hay dịch bệnh, thì thời điểm này, ở một góc độ nào đó, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những mặt lợi ích.
Cái lợi tiêu biểu, về mặt hành vi, đây là một cơ hội rất tốt để xây dựng những kỹ năng mới hoặc củng cố cho những hành vi còn yếu cho trẻ.
Ví dụ: ba mẹ muốn con tập đàn mỗi ngày. Trước kia, việc tập đàn sẽ dễ bị chi phối và gác qua một bên bởi các sự kiện lớn nhỏ trong gia đình như có khách đến thăm, cả nhà đi chơi dài ngày, sinh nhật… làm cho việc tập đàn của trẻ không được điều độ, sẽ kéo dài thời gian để có thể hình thành một thói quen. Do vậy, khi cuộc sống diễn ra đều đặn hằng ngày trong giai đoạn giãn cách này, mỗi ngày trôi qua không có quá nhiều hoạt động đột biến, mọi thứ trong ngày tương đối dễ dự đoán, hãy xem nó như là thời điểm tốt đẹp để xây dựng thói quen cho trẻ.
Những thói quen hoặc các hành vi tích cực trẻ có thể làm
Các thói quen hay các hành vi tích cực của trẻ có thể làm là việc tìm tòi một sở thích mới: học đàn, học vẽ, đọc sách, thiết kế đồ thủ công, rèn luyện kỹ năng tự chăm sóc bản thân hoặc công việc nhà phù hợp với lứa tuổi.
Nó cũng có thể là một thói quen để giữ liên kết giữa các thành viên trong gia đình: gọi điện cho ông bà, các bữa cơm chung, sum họp gia đình… hay là việc duy trì nếp sinh hoạt điều độ: đi ngủ và thức dậy đúng giờ, làm theo các lịch trình đã thống nhất cùng nhau…
Lưu ý khi xây dựng thói quen tích cực cho trẻ
Điều độ và nhất quán
Như đã nói ở trên, điều quan trọng của việc xây dựng thói quen là sự điều độ và nhất quán.
Nếu không kể đến các biến cố bất ngờ ngoài ý muốn, thì những diễn biến trong sinh hoạt hằng ngày bình ổn sẽ tạo cơ hội cho sự điều độ trong việc tạo dựng thói quen.
Ngoài ra, để đảm bảo trẻ có được sự điều độ đó, ba mẹ sẽ phải làm gương cho trẻ: Ba mẹ có thực hiện đúng theo lịch trình đã đề ra hay không? Ba mẹ có cùng dùng cơm với cả nhà hay không? Ba mẹ có tham gia tập thể dục cùng con không? Ba mẹ có chơi cùng con vào lúc 7:30 không? Nếu cứ phải suy đoán về những tình huống không chắc chắn như “Hôm nay ba có chơi với mình không?”, “Tí nữa mẹ có đọc sách cho mình không?” cũng có khả năng sẽ làm gia tăng lo âu, căng thẳng ở trẻ. Đôi khi ba mẹ sẽ phải tự mình ra quyết định về điều gì cần làm, ví dụ như giữ lời hứa với con hay dự một cuộc họp với sếp tổng.
Mục tiêu phù hợp và có sự hỗ trợ phù hợp
Một trong những nguyên nhân khiến cho việc tạo dựng thói quen hay kỹ năng mới thất bại là mục tiêu quá sức và không có những hỗ trợ phù hợp.
Đối với trẻ nhỏ, cảm giác thành tựu trong những ngày đầu là nền tảng cũng như động lực lớn lao cho trẻ tiếp tục duy trì những thói quen này về sau. Do vậy, chúng ta nên bắt đầu với những hoạt động nhỏ, đơn giản rồi mới tăng dần độ phức tạp hoặc kéo dài thời gian hơn. Quan sát và cầm tay chỉ việc nếu cần, hỗ trợ bất kỳ lúc nào trẻ gặp khó khăn để đảm bảo thành tựu và tạo cơ hội cho trẻ tự thực hiện.
Ví dụ: Ba mẹ có thể cho trẻ tập đàn 5 phút mỗi lần, sau 5 ngày có thể tăng thời lượng lên 10 phút, rồi 15 phút. Hay bắt đầu rèn cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân bằng việc yêu cầu trẻ tự chuẩn bị khăn và quần áo, tự thay quần áo và sau khi thay đồ xong sẽ tự bỏ quần áo dơ vào đúng chỗ. Nếu trẻ gặp khó khăn với việc cởi nút áo, ba mẹ sẽ trợ giúp, cầm tay và hướng dẫn, rồi dần khuyến khích trẻ tự thực hiện.
Khen và thưởng
Một yếu tố khác không thể thiếu trong việc tạo dựng thói quen là Khen và thưởng. Đôi khi chúng ta quên mất việc khen trẻ khi trẻ hoàn thành được một công việc dù nhỏ hay to, dù trẻ tự làm hay có hỗ trợ.
Lời khen là nhân tố giữ lửa cho thói quen của trẻ, cho đến khi trẻ tự cảm nhận được ý nghĩa của công việc mình làm. Và cũng rất nhiều khi, lời khen quá hời hợt, không rõ ràng của chúng ta cũng sẽ không có tác động nhiều đến trẻ.
Sự nhiệt tình và chân thành trong lời khen của ba mẹ là yếu tố quan trọng tác động lên trẻ. Yếu tố thứ 2 là sự rõ ràng trong lời khen, hãy xem xem điều ba mẹ muốn khen trẻ là gì: “Con tưới cây giỏi quá ta. Cây hôm nay đã lớn hơn chút xíu rồi nè”, “Bé Bi nay ngồi ăn ngoan ghê vậy đó”… Nhắc lại với trẻ về điều mà ba mẹ muốn trẻ thực hiện để trẻ hiểu mình được khen vì điều gì, kèm theo lời khen là một cử chỉ âu yếm nào đó: xoa đầu, hi-fi, hay cù lét…
Tuy nhiên, những bạn ở độ tuổi teen có thể sẽ không thích những lời khen trước mặt nhiều người và quá nhiệt tình, có thể sẽ cần nhiều sự chân thành, nhưng không cần quá nồng nhiệt, cũng không cần những cử chỉ lộ liễu, có thể một ánh mắt, một cái gật đầu, hay đơn giản là một lời cảm ơn chân thành.
Khi một biến cố xảy ra, đi kèm với nó là những khó khăn. Có người xem đó là trở ngại, nhưng có người tìm ra được cơ hội trong những khó khăn đó. Trong hành trình làm cha mẹ, đây có thể là một cơ hội để dạy con bài học về sức bật, sự chịu đựng và nhìn vào chiều hướng tích cực của vấn đề để cùng nhau đi qua đại dịch một cách khoẻ mạnh và hạnh phúc.
Để được hỗ trợ can thiệp cho trẻ có các rối loạn phát triển xin vui lòng liên hệ trước để đặt hẹn qua các phương thức sau:
📧 Email: info@demo8.thuythu.com
☎ Điện thoại: 0866.045.088
💻 Website: www.psychub.vn/dat-hen