THÔNG ĐIỆP NHÂN NGÀY SỨC KHỎE TINH THẦN THẾ GIỚI

Như một thông lệ, hôm nay 10/10/2020 – Ngày Sức khỏe tinh thần thế giới, Psychub xin gửi đến các bạn độc giả, và tất cả những ai dù đã luôn quan tâm hay chỉ mới bắt đầu quan tâm đến sức khỏe tinh thần của bản thân mình và người xung quanh, một món quà nhỏ. Xin mời mọi người cùng lắng nghe những thông điệp ý nghĩa từ Tổ chức y tế thế giới, từ Chủ tịch của Liên đoàn Sức khỏe tâm thần thế giới và từ những nhà chuyên môn của Psychub.


THÔNG ĐIỆP TỪ TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI WHO

(Nguồn: https://www.who.int/campaigns/world-mental-health-day/world-mental-health-day-2020)

Ngày Sức khỏe tinh thần thế giới năm nay, đến vào thời điểm mà cuộc sống hàng ngày của chúng ta đã thay đổi đáng kể do hậu quả của đại dịch COVID-19. Những tháng vừa qua đã mang lại nhiều thách thức:

… đối với nhân viên y tế: việc chăm sóc bệnh nhân với nguy cơ phơi nhiễm dịch bệnh cao hơn bao giờ hết, phải đối mặt với nỗi sợ mỗi ngày đi làm là mỗi ngày lo lắng liệu tôi có mang COVID-19 về nhà?

… đối với học sinh: thích nghi với việc nghỉ học – học ở nhà, xa thầy cô bạn bè – quay trở lại trường học. Học sinh năm cuối thì lo lắng về tương lai của mình còn các bé nhỏ thì khó khăn để trở lại hơn

… với những người lao động có sinh kế bị đe dọa, những người có khó khăn về sức khỏe tinh thần, nhiều người thậm chí còn trải qua sự cô lập với xã hội hơn trước đây, và hơn hết là những người phải trải qua nỗi đau mất mát người thân mà đôi khi không thể nói lời tạm biệt.

Hậu quả kinh tế của đại dịch đã được cảm nhận khi các công ty phải sa thải nhân viên để nỗ lực cứu doanh nghiệp của họ, hoặc nhiều nơi phải đóng cửa hoàn toàn. Với kinh nghiệm về các trường hợp khẩn cấp trong quá khứ, dự kiến ​​nhu cầu về hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội sẽ tăng lên đáng kể trong những tháng và năm tới. Đây là lý do tại sao mục tiêu của chiến dịch Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới năm nay là tăng cường đầu tư vào sức khỏe tâm thần, với chủ đề:

Sức khỏe tinh thần cho tất cả mọi người.

Đầu tư nhiều hơn – Tiếp cận rộng khắp hơn

(Mental Health for All. Greater Investment – Greater Access)


THÔNG ĐIỆP TỪ CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN SỨC KHỎE TÂM THẦN THẾ GIỚI (World Federation for Mental Health)

Sức khỏe tinh thần là một quyền của con người – đã đến lúc việc chăm sóc sức khỏe tinh thần phải luôn sẵn sàng cho bất cứ ai cần đến. Chúng ta cần biến sức khỏe tâm thần thành hiện thực cho tất cả – cho mọi người, ở mọi nơi.

Ngày Sức khỏe tinh thần Thế giới không chỉ đơn giản là một sự kiện diễn ra trong một ngày. Chúng ta cần bắt đầu ngay bây giờ và tiếp tục lời kêu gọi của mình để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Cùng nhau, chúng ta mạnh mẽ hơn và cùng nhau chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt lớn trên toàn thế giới.

Tiến sĩ Ingrid Daniels – Chủ tịch Liên đoàn Sức khỏe tinh thần Thế giới


THÔNG ĐIỆP TỪ NHỮNG NHÀ CHUYÊN MÔN VỀ THAM VẤN – TRỊ LIỆU TÂM LÝ TẠI PSYCHUB

Nếu có một lời nhắn nhủ tới những người đang có vấn đề tâm lý nhưng ngại ngần trong việc tìm sự hỗ trợ, anh/chị muốn nói gì với họ?

 

Thạc sĩ Tâm lý Phạm Dũng – nhà chuyên môn cộng tác cùng Psychub

Anh Phạm Dũng – Thạc sĩ chuyên ngành Tham vấn tâm lý tại Đại học Texas State, San Marcos, Texas (Hoa Kỳ), thành viên Hiệp hội danh dự của ngành Tâm lý học Mỹ và là tham vấn viên vô cùng gắn bó với Psychub chia sẻ:

Cần quay lại với câu chuyện là mọi người cần bắt đầu chú ý hơn tới những gì đang xảy ra xung quanh và chính bản thân xem thử nội tại mình như thế nào, mình có nguồn lực gì, xung quanh có nguồn lực gì. Nếu vận dụng hết rồi mà chưa giải quyết được khó khăn thì những hỗ trợ chuyên môn là những thứ mọi người hoàn toàn có thể tìm đến.

Anh nói thêm:

Tương tự như việc bây giờ mình bị ho, sổ mũi mà mình uống nước, ăn uống, nghỉ ngơi, vận dụng những thứ gần mình, bên trong mình mà mình thấy ổn thì tức là mình ổn. Còn đã vận dụng hết mà mình thấy chưa ổn thì có thể có nguyên nhân khác, vấn đề khác, ngoài khả năng tự phục hồi và mình cần đi khám, đi tìm nguồn hỗ trợ.

Mình phải đi từ cái nhỏ, cái gần nhất, nếu mà chưa ổn thì đi xa hơn, chưa ổn nữa thì đi xa hơn nữa. Mình cần chú ý xem mình đã ổn chưa, đã cố gắng được tới đâu, nếu chưa ổn thì sự hỗ trợ chuyên môn là điều cần thiết đối với mỗi người.

————-

Thạc sĩ Tâm lý Phan Ngọc Thanh Trà – nhà chuyên môn cộng tác cùng Psychub

Cùng thảo luận về thông điệp này, Thạc sĩ Phan Ngọc Thanh Trà – Chuyên viên tham vấn – trị liệu tâm lý tại Saigon Psychub và đồng thời là Quản lý giám sát và Chuyên viên Tâm lý tại tổ chức WWO lại muốn nhắn gửi đến riêng các bạn trẻ một góc nhìn khác:

Gửi các bạn trẻ, tuổi vị thành niên:

Tôi nghĩ tôi là người duy nhất chịu đựng những nỗi đau khủng khiếp.

Tôi không muốn nói ra vì sẽ không ai hiểu – kể cả những người thân thương.

Tôi bất lực với vấn đề của mình vì tôi nhỏ bé, lạc lõng giữa thế giới muôn màu.

Tôi tuyệt vọng…

Các bạn ơi, bạn không phải là người duy nhất muộn phiền về những khó khăn của mình. Bạn không phải một mình – cô đơn chống chọi với những điều khiến bạn hao mòn. Chia sẻ để được chữa lành sẽ giúp bạn tìm lại bản thân và tìm thấy chính mình ở tương lai. Chuyên viên tâm lý là những người chuyên nghiệp, được đào tạo để lắng nghe và đồng hành cùng bạn trên đoạn đường này.

————-

Chị Nguyễn Đức Như Thủy – Nhà trị liệu nghệ thuật tại Psychub, Thạc sĩ Trị liệu tâm lý ứng dụng Nghệ thuật thị giác tại LASALLE College of the Arts và Goldsmiths University of London và là Thành viên của Hiệp hội Nghệ thuật trị liệu Úc, New Zealand và Châu Á muốn nhắn gửi nhiều hơn đến những ai đang trải qua một thời gian khó khăn bởi COVID-19

Thạc sĩ Trị liệu nghệ thuật Nguyễn Đức Như Thủy – nhà chuyên môn cộng tác cùng Psychub

Ở Việt Nam, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần là khá cao theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, mặc dù có thể thấy chuyện này chưa được nhắc đến nhiều.

Trong tâm lý học có khái niệm ‘window of tolerance’ nghĩa là một cái phạm vi dung chứa, phạm vi chống chịu tối ưu của tinh thần con người. Mùa dịch Covid-19 này tạo ra một không gian đặc biệt với nhiều sự kiện khắc nghiệt diễn ra hơn, có nguy cơ thách thức sức chịu đựng của chúng ta trong một thời gian đáng kể, làm phạm vi chống chịu tối ưu của tinh thần bị thu hẹp dẫn tới các vấn đề tâm lý sâu sắc và kéo dài.

Chị nói thêm

Thủy muốn nhắn nhủ tới bất cứ ai đang có một khoảng thời gian khó khăn rằng, việc tìm kiếm hỗ trợ về mặt tâm lý là cần thiết, và nhất là khi nếu bạn đã trải qua nhiều nỗ lực tự thân và nhận thấy mình cần một sự hỗ trợ chuyên nghiệp hơn.

Có rất nhiều hình thức hỗ trợ, ví dụ như tham vấn trị liệu tâm lý theo cá nhân hoặc theo nhóm, hoặc các nhóm hỗ trợ chuyên nghiệp được điều phối bởi chuyên viên tâm lý hoặc chuyên viên công tác xã hội lâm sàng. Hãy cho phép mình một cơ hội được giúp, và giúp mình, nhé!

Có thể bạn quan tâm

ÂM NHẠC TRỊ LIỆU GIÚP ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM NƠI TRẺ EM VÀ THIẾU NIÊN

Âm nhạc trị liệu giúp giảm nhẹ trầm cảm và cải thiện đáng kể

KHÓ KHĂN TINH THẦN CỦA TÔI CÓ THỂ ĐƯỢC CHỮA KHỎI HOÀN TOÀN KHÔNG?

John đang gặp nhà tâm lý lần đầu tiên. Anh ấy đã có tâm

OVERTHINKING – SUY NGHĨ QUÁ MỨC

Overthinking – tiếng Việt thường gọi là suy nghĩ quá mức/ quá lố/ quá

TẠI SAO NHỮNG QUYẾT TÂM TRONG NĂM MỚI CỦA BẠN THƯỜNG THẤT BẠI?

Rất nhiều người trong chúng ta dùng thời gian trước thềm năm mới để

THAM GIA NHÓM GIÚP GIẢM NHẸ TRẦM CẢM

Từ lâu chúng ta đã biết kết nối xã hội có vai trò rất