BÙI HẢI NGUYÊN (BCaBA) – Lòng yêu trẻ và sự tử tế trong khoa học là đường dẫn lối đam mê

(PV: Thuận Ánh, Biên tập: T.Yên)

Thi thoảng chúng tôi vẫn nhắc về chị trên Fanpage hoặc các bài viết dành cho cha mẹ, nhưng phải mất khá lâu Psychub mới có dịp ngồi lại, trò chuyện và viết về chị một cách kỹ lưỡng, phác hoạ chân dung và cả con đường đã đưa chị trở thành một nhà Phân tích-trị liệu hành vi. Bùi Hải Nguyên hiện là người Việt Nam duy nhất tại TP.HCM có chứng nhận “Chuyên viên Phân tích Hành vi” (BCaBA) của Hội đồng Phân tích hành vi (Hoa Kỳ) và hiện đang hoạt động chuyên môn vô cùng tích cực tại phòng can thiệp trẻ em của Psychub. Cuộc trò chuyện dài nhưng vô cùng thú vị dưới đây sẽ cho các bạn hiểu thêm về phương pháp can thiệp hành vi (ABA) và chúng tôi cũng tin rằng bài phỏng vấn này sẽ truyền không ít cảm hứng cho những bạn trẻ đang muốn lựa chọn đường trở thành can thiệp viên cho trẻ đặc biệt.

———————

Chào chị Bùi Hải Nguyên, chị có thể giới thiệu đôi chút về bản thân?

Tôi là Bùi Hải Nguyên, hiện đang là nhà chuyên môn về trị liệu hành vi cho trẻ tự kỷ và trẻ có các rối loạn phát triển khác tại Saigon Psychub.

Được biết vừa rồi Psychub có dự án Thế giới diệu kỳ của Bánh Gạo nói về trẻ tự kỷ và chị đóng vai trò là người làm phần nội dung. Chị có thể giới thiệu đôi nét về dự án này không?

Cảm hứng về trẻ tự kỷ xuất hiện khi tôi đi tình nguyện và có cơ hội tiếp xúc với trẻ tự kỷ ở Singapore. Tôi cảm thấy các bé như đang sống trong quả bóng của mình và khó kết nối với các trẻ em khác cũng như người lớn. Còn chúng ta thì khó có thể bước chân vào trong thế giới đó để hiểu được các bạn nhỏ.

Khi về làm việc tại Việt Nam, tôi phát hiện ra là Rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) dần trở nên phổ biến và được nhắc đến nhiều hơn. Nhưng không phải tất cả mọi người đều có nhận thức đúng đắn về chứng rối loạn này. Do vậy, tôi và các nhà chuyên môn tại Psychub muốn tạo ra một sản phẩm cung cấp những thông tin cần thiết giúp cho mọi người có cách nhìn nhận đúng đắn hơn về chứng tự kỷ.

Trong lúc giãn cách xã hội vì COVID vừa qua, chúng tôi tận dụng thời gian đó để lên ý tưởng và soạn ra những nhầm lẫn phổ biến về chứng tự kỷ để hoàn thành bộ sách tranh. Từ đó, câu chuyện của Bánh Gạo ra đời. Bộ sách tranh là thành quả của các thành viên Psychub và đặc biệt là có sự tham khảo ý kiến chuyên môn từ Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân cũng như biên tập bởi cô Phan Tường Yên.

Tại sao là Bánh Gạo mà không phải là… “Bánh” khác?

Qua quá trình tiếp xúc với trẻ em, tôi thấy các bé thích ăn bánh gạo (cười). Văn phòng của tôi lúc nào cũng có trữ sẵn bánh gạo cho các bạn nhỏ. Bánh Gạo trở thành một cái tên rất đỗi thân quen với mọi người tại Psychub nên tôi quyết định chọn cái tên dễ thương và gần gũi đó để đặt cho bộ truyện tranh này.

Sau khi Thế giới kỳ diệu của Bánh Gạo ra đời thì mọi người đón nhận như thế nào?

Thật vui vì dường như có nhiều người thích Bánh Gạo. Bộ sách tranh bao gồm những tâm sự của Bánh Gạo và những giải thích mang tính khoa học về những vấn đề mà Bánh Gạo phải trải qua. Có ý kiến cho rằng cách tiếp cận này khá dễ hiểu và hữu ích.

Nó chỉ ra cả những sai biệt trong kết nối thần kinh khiến các bé gặp khó khăn trong việc tiếp nhận các thông tin giác quan, từ đó giúp mọi người hiểu rõ hơn chứng tự kỷ. Nó cũng giống mục tiêu mà tôi đặt ra lúc thực hiện bộ sách tranh này: Thứ nhất là phần nào giúp mọi người hiểu và cảm thông cho những khó khăn mà trẻ có RLPTK gặp phải; Thứ hai là chấp nhận những khác biệt đó như một phần con người của trẻ.

Được biết trong công việc hiện tại của chị ở Psychub, chị thường xuyên làm việc với trẻ tự kỷ? Vậy phương pháp mà chị sử dụng là gì?

Tôi sử dụng ABA để làm việc với trẻ tự kỷ vì tôi thấy phương pháp này phù hợp với tôi và đối tượng tôi đang làm việc. Nó cũng được chứng minh bằng khoa học về mức độ hiệu quả trong việc cải thiện những triệu chứng của trẻ có khiếm khuyết phát triển.

Cơ duyên nào đưa chị đến với ABA và trở thành một BCaBA làm việc với trẻ em?

Tôi là một người yêu mến và đam mê làm việc với trẻ em. Khi tốt nghiệp Cử nhân Tâm lý tại Singapore thì tôi đã muốn làm việc với trẻ tự kỷ. Mỗi khi làm việc tôi cảm thấy như đang chơi với trẻ chứ không phải là đang làm công việc thường nhật nữa. Tuy vậy, khi đó tôi cảm thấy chưa đủ chuyên môn và cần phải có một bằng cấp chuyên sâu để làm việc. Qua nghiên cứu thì tôi thấy phương pháp ABA có hiệu quả và tôi cố gắng trở thành một người thực hành có chứng nhận bởi Hội đồng chứng nhận các nhà phân tích hành vi (BACB).

Chị có thể giải thích ngắn gọn về ABA?

ABA là chữ viết tắt của Applied Behavior Analysis, dịch sát nghĩa là Phân tích hành vi ứng dụng. Giải thích một cách ngắn gọn thì đây là phương pháp dựa trên nền tảng khoa học học vi để làm gia tăng hoặc thiết lập hành vi mong muốn, giảm thiểu hoặc loại bỏ hành vi không phù hợp hoặc không mong muốn.

Chị có thể nói thêm về bằng BCaBA được không?

BCaBA là một trong 4 cấp độ chứng chỉ được cấp bởi BACB. Đó là chứng chỉ dành cho người thực hành ABA ở trình độ cử nhân. Trong hệ thống của BACB còn có RBT là dành cho kỹ thuật viên hành vi, BCBA là dành cho người thực hành ABA có trình độ thạc sĩ, còn BCBA-D là dành cho người thực hành có trình độ tiến sĩ. Từ cử nhân trở lên nếu học thêm về chương trình giám sát chuyên môn thì có thể giám sát cấp độ thấp hơn mình.

Để đạt được chứng chỉ này, tôi trải qua một khóa đào tạo chuyên sâu về ABA trong khoảng 1-1,5 năm, kèm theo là một chương trình thực hành 1000 giờ bởi giám sát chuyên môn. Sau đó tôi tham gia một bài kiểm tra của hội đồng quốc tế. Vượt qua các kiểm tra và giám sát này thì sẽ có được chứng nhận của hội đồng dành cho người thực hành ABA.

 

Như vậy nền tảng chính của ABA là khoa học hành vi. Chị có thể giải thích cụ thể hơn?

Như tôi đã nói ở trên, nền tảng của ABA là khoa học hành vi, xem xét về mặt cơ chế học tập hành vi để có thể điều chỉnh những hành vi theo mong muốn. Nhà thực hành ABA sẽ phân tích nguyên nhân dẫn đến những hành vi mục tiêu để có thể lựa chọn phương thức điều chỉnh phù hợp, cũng như tạo ra “môi trường” để thiết lập các hành vi mới.

Đối tượng ứng dụng của ABA là những ai? Có phải là chỉ mỗi trẻ em nói chung và trẻ đặc biệt nói riêng?

Có nhiều phương pháp trị liệu cho trẻ có RLPTK và ABA là một trong số đó. Với rất nhiều các nghiên cứu khoa học chứng minh tính hiệu quả của ABA lên trẻ có RLPTK, mọi người hay lầm tưởng rằng ABA chỉ dành cho trị liệu chứng rối loạn này. Tuy nhiên, ứng dụng của ABA rất rộng cho rất nhiều độ tuổi và các vấn đề khác nhau. Ở đâu có hành vi thì ở đó có thể áp dụng được ABA. Một nhánh khác của ABA được sử dụng trong Quản lý nhân sự.

Việc ứng dụng ABA cho trẻ em và người lớn có gì giống và khác nhau?

Theo quan điểm cá nhân của tôi thì điều chỉnh hành vi ở người lớn sẽ khó khăn hơn.

Tôi nghĩ khác biệt đầu tiên là động lực. Trẻ thì đơn giản, có thể điều khiển được cách mà trẻ thực hiện hành vi, khả năng trẻ nghe lời và có thể cải thiện hay kiểm soát hành vi của trẻ. Chúng ta có thể tạo ra được động lực cũng như môi trường cho hành vi xuất hiện. Còn người lớn thì mình khó bắt họ nghe lời, trừ khi người đó thật sự muốn thay đổi. Người đó phải tự tìm ra động lực để thay đổi.

Mình có thể tạo động lực cho trẻ. Còn người lớn thì động lực phải từ bên trong nhiều hơn. Vì động lực là một trong những yếu tố quan trọng để hành vi thay đổi.

Một khác biệt nữa ở trẻ em và người lớn là tính cố hữu hay nói cách khác là “độ lâu đời” của hành vi. Hành vi sẽ khó thay đổi hơn khi nó đã tồn tại lâu dài qua nhiều năm, đã được củng cố bền chặt bởi nhiều yếu tố khác nhau. Và người lớn chúng ta sẽ cần một động lực rất lớn để có thể thay đổi được hành vi của bản thân.

Chị ứng dụng ABA với bản thân như thế nào?

Một ứng dụng thú vị nhìn từ góc độ khoa học hành vi

Tôi cũng sử dụng ABA để điều chỉnh hành vi của bản thân, ví dụ như là muốn thay đổi hành vi thức khuya, muốn dậy sớm hơn, tăng đọc sách, giảm thời lượng sử dụng Iphone…

Khoa học hành vi có hai cơ chế cơ bản là thưởng và phạt. Phần thưởng sẽ củng cố cho hành vi tiếp tục xảy ra trong tương lai. Còn trừng phạt sẽ làm suy yếu hành vi trong tương lai.

À, tôi thấy có một ứng dụng trên điện thoại có dựa trên nền tảng khoa học hành vi để giúp người dùng điều chỉnh thói quen sử dụng điện thoại khá hay là Forest – stay focused.

Đây là ứng dụng với ý tưởng giúp người dùng “cai nghiện” smartphone và tập trung hơn vào việc đang làm. Nó cho phép người dùng gieo các hạt giống và hạt giống này sẽ nở thành cây trong thời gian được đặt trước nếu trong thời gian đó người dùng không thoát khỏi ứng dụng để chạy các ứng dụng khác…

Nếu bạn sử dụng điện thoại trong khi chưa hết thời gian, cây của bạn sẽ chết. Khi đủ số lượng cây, họ sẽ trồng một cây thật ngoài đời.

Nếu bạn là một người yêu rừng thương cây, thì việc sử dụng ứng dụng này sẽ giúp bạn tập luyện được mức độ tập trung và cai nghiện smartphone hiệu quả thông qua phần thưởng là cây bạn trồng sẽ lớn lên, cũng như thành quả của cả quá trình đó là bạn có thể góp phần trồng cây gây rừng bảo vệ trái đất.

Nghe thú vị quá, chị có thể kể thêm một vài kỹ thuật cơ bản trong việc ứng dụng ABA nữa được không?

Theo trải nghiệm của tôi thì khi trẻ ăn vạ, phản ứng của cha mẹ thường một là la mắng, hai là chiều theo ý của trẻ khiến cho việc ăn vạ tiếp tục hoặc gia tăng. Cách mà tôi làm đối với trẻ ăn vạ đòi đồ chơi hoặc bánh kẹo là áp dụng kỹ thuật Extinction, nghĩa là không để ý tới hành vi ăn vạ của trẻ. Dần dần trẻ sẽ học được là ăn vạ không đem lại hiệu quả mà trẻ mong muốn.

Khi không có yếu tố củng cố (hay phần thưởng) thì sau này hành vi ăn vạ sẽ giảm dần. Song song với kỹ thuật đó là phải dạy và củng cố hành vi thay thế ở trẻ. Ví dụ trẻ muốn uống nước nhưng không nói, không bày tỏ mà khóc toáng lên thì tôi sẽ không đáp ứng với hành vi khóc đó, để cho trẻ qua cơn, sau đó dạy cho trẻ cách bày tỏ nhu cầu muốn uống nước của mình, như nói “Cô ơi, con muốn uống nước” hoặc chỉ tay vào bình nước…

Cái cơ bản nhất của ABA là kỹ thuật củng cố hành vi (Reinforcement). Khi trẻ có hành vi phù hợp thì nên khen ngợi một cách thật lòng hoặc quan tâm, để ý tới hành vi của trẻ, để cho hành vi đó được duy trì. Một hành vi tốt mà không được khen ngợi thì hành vi có thể biến mất. “Một hành vi được duy trì nếu nó được củng cố” đó là nền tảng của ABA.

Ngoài ra còn kỹ thuật time – out cũng dễ áp dụng, như khi trẻ giành đồ chơi với bạn chẳng hạn. Kỹ thuật này sẽ tách trẻ ra khỏi không gian mà trẻ yêu thích, hoặc đang vui chơi – khi có hành vi không mong muốn xảy ra.

Trẻ Rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) là đối tượng khá đặc biệt, vậy chị thấy áp dụng các kỹ thuật này thì có khó khăn gì không?

Đối với trẻ có RLPTK thì việc áp dụng các kỹ thuật này cũng không khác gì mấy so với các trẻ khác. Tuy nhiên trẻ có RLPTK sẽ có rất ít nhu cầu về những tương tác xã hội nên khen ngợi đôi khi không có ý nghĩa với trẻ. Trẻ sẽ không cảm thấy đó là động lực đủ để thực hiện hành vi nào đó. Do vậy, tôi sẽ dùng các nguồn động lực mang tính vật chất hơn, ví dụ như bánh kẹo, đồ chơi… nhưng muốn áp dụng hình thức nào thì tôi phải trao đổi trước với phụ huynh về phần thưởng cũng như lưu ý về giới hạn phần thưởng, vấn đề sức khỏe của trẻ.

Với cá nhân tôi thì tôi giới hạn 2 cái bánh trong một phiên làm việc và hạn chế tối đa việc sử dụng kẹo. Đan xen đó là các phần thưởng khác, ví dụ như nước uống, các đồ chơi bé đặc biệt yêu thích…

Theo trải nghiệm của cá nhân chị thì tác động lớn nhất của ABA đối với việc can thiệp hành vi trẻ em là gì?

Đối với tôi thì tác động lớn nhất của ABA trong can thiệp hành vi là giúp trẻ có được những kỹ năng mới để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Ví dụ như cung cấp công cụ giao tiếp giúp trẻ bày tỏ được các nhu cầu của mình. Trẻ có thể tự chăm sóc được bản thân, có thể chơi được các món đồ chơi ở nhà cũng như ở trường.

Thuận lợi và khó khăn của chị trong việc ứng dụng ABA trong việc can thiệp hành vi ở trẻ em?

Thuận lợi là ABA giúp tôi hiểu cơ chế để một hành vi có thể xảy ra, từ đó tôi có cách giúp trẻ phát triển hành vi phù hợp.

Cái khó trong việc làm ABA là tìm ra đúng động lực của trẻ để đưa ra kế hoạch củng cố phù hợp, từ đó tạo được hiệu quả trong quá trình làm việc. Còn nếu không thì buổi làm việc sẽ không hiệu quả khi bé không làm theo yêu cầu. Cái khó thứ hai là ABA đòi hỏi nhiều kỹ thuật và ghi nhận số liệu mỗi ngày.

Do vậy tôi phải bỏ thêm rất nhiều thời gian trước và sau buổi làm việc với trẻ để tìm kiếm hoạt động và xử lý số liệu của trẻ.

Trong quá trình can thiệp với ABA, chị có kỷ niệm nào đáng nhớ?

Có một bé khi mới đến chưa có ngôn ngữ, tới khi bé nói được tiếng đầu tiên là “bánh” thì tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã góp phần cùng ba mẹ và những người hỗ trợ làm được một điều có ý nghĩa cho bé.

Nói theo ngôn ngữ của ABA thì chính cái phần thưởng đó cũng là sự củng cố cho tôi tiếp tục công việc. Ngoài ra tôi nhận thấy niềm vui của bậc làm cha làm mẹ khi thấy con mình tiến bộ. Đó cũng là hạnh phúc của một người làm chuyên môn như tôi. Nhưng đôi khi hạnh phúc chỉ đơn giản là khi bé nhớ và nhận ra tôi thôi.

Vai trò và tầm quan trọng của ba mẹ trong việc hợp tác và hỗ trợ quá trình can thiệp trẻ đặc biệt?

Phụ huynh có vai trò quan trọng trong việc hợp tác với người làm chuyên môn. Những gì tôi làm thì phải có sự nhất quán với phụ huynh để hành vi của trẻ giảm thiểu hoặc duy trì ở tất cả các môi trường.

Ví dụ tôi dạy bé cảm ơn thì ba mẹ cũng phải quan sát và yêu cầu bé thực hiện kỹ năng đó ở môi trường ngoài phòng can thiệp. Với các hành vi tôi cần giảm thiểu thì phụ huynh cũng cần hợp tác. Ví dụ với hành vi ăn vạ, phụ huynh cũng phải cùng thực hiện để đảm bảo tính nhất quán trong quá trình can thiệp. Tôi luôn trao đổi với phụ huynh trước về vấn đề này để đảm bảo có được sự hợp tác của phụ huynh từ những ngày đầu tiên của tiến trình.

Tôi cho rằng thời gian trẻ tiếp xúc với ba mẹ nhiều hơn với tôi và tầm ảnh hưởng của phụ huynh lên trẻ cũng sẽ có hiệu lực hơn tôi. Nên một khi ba mẹ chịu hợp tác vào tiến trình, hiệu quả can thiệp sẽ gia tăng đáng kể.

Theo trải nghiệm cá nhân của chị thì phụ huynh chiếm bao nhiêu phần trăm trong hiệu quả can thiệp ABA lên hành vi của trẻ đặc biệt?

Nhà chuyên môn đưa ra hướng dẫn và phụ huynh sẽ hợp tác thực hiện yêu cầu đó. Theo tôi thì phụ huynh chiếm khoảng 60% trong hiệu quả can thiệp. Ngoài ra, với các trẻ có vấn đề không quá nghiêm trọng, nếu phụ huynh biết cách làm việc thì có thể mang lại hiệu quả và không cần đến nhà chuyên môn. Phụ huynh là người hiểu rõ và biết cách làm việc với con của mình nhất. Còn tôi chỉ đưa ra nhận định, hướng dẫn về mặt chuyên môn.

Trong quá trình làm việc tại Psychub thì chị quan sát thấy phụ huynh có trở ngại gì trong quá trình đồng hành cùng trẻ đặc biệt?

Trở ngại là phụ huynh có lẽ là quá bận rộn để có thể dành thời gian cho con. Tôi rất thông cảm vì họ còn gánh nặng “cơm áo gạo tiền”. Tuy vậy, cá nhân tôi nghĩ việc dành thời gian chất lượng cho con có ảnh hưởng tích cực không chỉ đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt mà cả trẻ có phát triển bình thường.

Yếu tố văn hóa ở Việt Nam tác động thế nào tới việc nuôi dạy con – theo quan sát của bản thân chị?

Theo kinh nghiệm của tôi thì một số cha mẹ có xu hướng bảo bọc con quá nhiều, họ quyết định, thậm chí… làm thay con, thành ra đứa trẻ phụ thuộc nhiều vào cha mẹ. Hệ quả là trẻ sẽ không học được cách thực hiện các kỹ năng cũng như có khả năng đưa ra ý kiến của bản thân. Theo tôi thì phụ huynh có thể hỗ trợ nhưng nên dần bước ra sau để trẻ có thể học các kỹ năng và trở nên tự lập. Phụ huynh hãy để trẻ tự làm, đừng làm thay trẻ.

Kế hoạch phát triển chuyên môn của chị thì như thế nào?

Nếu có điều kiện thì tôi sẽ học lên cao hơn. Tôi muốn đào sâu và học hỏi thêm các kỹ thuật, ứng dụng khác nhau của ABA cho các đối tượng khác nhau, vì hiện tại tôi chỉ đang làm việc với trẻ có rối loạn phát triển dưới 8 tuổi.

Ngoài ra tôi cũng mong muốn mở rộng số lượng những người thực hành ABA ở Việt Nam bằng việc mở các khóa đào tạo để các bạn sinh viên mới ra trường có điều kiện tiếp cận với phương pháp này.

Nếu một người muốn được đào tạo và giám sát về ABA thì quy trình như thế nào hả chị?

Đầu tiên bạn phải có bằng Cử nhân Tâm lý. Sau đó bạn phải học một khóa ABA, thực hành 1000 giờ có giám sát. Và cuối cùng là thi đậu kỳ thi của Hội đồng BACB.

Còn một sinh viên ngành Tâm lý học mong muốn được theo đuổi con đường thực hành ABA thì chị đánh giá thuận lợi của bạn đó là gì?

Thuận lợi là các bạn có nền tảng về khoa học hành vi, có kiến thức về Tâm bệnh học cũng như các kiến thức khác về tâm lý và sự nhạy cảm lâm sàng.

Theo đánh giá cá nhân của chị thì triển vọng can thiệp bằng ABA ở Việt Nam ra sao?

Theo tôi thấy thì nhu cầu của trẻ có rối loạn phát triển trong việc can thiệp hành vi khá cao. Hiện có nhiều nơi làm can thiệp bằng các phương pháp khác nhau, nhưng các cơ sở can thiệp bằng ABA chỉ mới đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, cá nhân tôi rất mong muốn phát triển một đội ngũ các nhà thực hành ABA để mang ABA đến với những gia đình có nhu cầu và ứng dụng nó vào việc can thiệp hành vi của trẻ em đặc biệt cũng như các đối tượng khác.

Cám ơn chị về buổi trò chuyện này và chúc chị thành công trên con đường của mình.

 

OPEN TALK: HỖ TRỢ TRẺ CÓ RỐI LOẠN TỰ KỶ – GÓC NHÌN LIÊN NGÀNH

PSYCHUB THAM GIA VÀO OPENTALK 7 TẠI ĐẠI HỌC HOA SEN:

HỖ TRỢ TRẺ CÓ RỐI LOẠN TỰ KỶ – GÓC NHÌN LIÊN NGÀNH

Sáng Thứ 7, 19/10/2019 vừa qua, Trường Đại học Hoa Sen đã tổ chức buổi Opentalk với chủ đề: Hỗ trợ trẻ có rối loạn tự kỷ – Góc nhìn liên ngành. Chương trình thu hút rất đông đảo người tham dự là các nhà chuyên môn, giáo viên, quý phụ huynh có con tự kỷ và các bạn học sinh, sinh viên có quan tâm đến chủ đề.

Đông đảo người tham dự

Chương trình thu hút được rất đông người tham dự

Opentalk lần này có sự góp mặt của 4 nhà chuyên môn ở các lĩnh vực khác nhau cùng chia sẻ để có được một bức tranh tổng quát hơn trong việc hiểu và và làm việc với trẻ gặp rối loạn phổ tự kỷ, gồm có Chị Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam, thành viên sáng lập/ quản lý điều hành trường Chuyên biệt Tuổi Ngọc; Chị Hà Thị Thanh Hương – Tiến sĩ Thần kinh học tại ĐH Stanford, hiện là Giảng viên Bộ Môn Y Sinh, ĐH Quốc tế TP.HCM; Chị Bùi Hải Nguyên Chuyên viên phân tích hành vi tại Phòng Tâm lý Saigon Psychub; Chị Lê Thị Ngọc Lan Chuyên viên tâm lý tại Đơn vị Tâm lý nhi, Khoa Tâm Thể – Bệnh viện Quận Thủ Đức.

Các diễn giả trong phần trả lời câu hỏi của người tham dự

Các diễn giả trong phần trả lời câu hỏi của người tham dự

Cảm ơn Bộ môn Tâm lý học – Đại học Hoa Sen đã tổ chức một chương trình ý nghĩa, mang đến những góc nhìn mới cả trong lý thuyết lẫn thực hành và khuyến khích những hỗ trợ tích cực, liên ngành cho các trẻ với rối loạn tự kỷ và gia đình.