Thông thường trong quá trình xin cấp Hộ chiếu Anh cho con, Bộ Nội vụ thường yêu cầu phải có sự đồng ý của cha và mẹ của bé. Tuy nhiên, dưới đây là một vụ tranh chấp khá đặc biệt mà phán quyết của Toà án có thể sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều trường hợp xin Hộ chiếu Anh tương tự sau này sau. Hãy cùng Visa Anh Quốc xem xét trường hợp đặc biệt dưới đây nhé.

Diễn biến vụ tranh chấp giữa Bộ Nội vụ và người mẹ liên quan đến việc cấp Hộ chiếu Anh cho con

Đây là trường hợp của một phụ nữ người Anh (gọi tắt G.A.) đã kết hôn với chồng tại Quốc gia X và có 4 người con (tất cả đều dưới 16 tuổi). Với chế độ xã hội phụ hệ tại quốc gia X, người cha được công nhận là người nắm giữ trách nhiệm duy nhất làm cha mẹ. Trong quá trình chung sống với nhau tại Quốc gia X, G.A. bị chồng lạm dụng cả về thể chất và tinh thần. Điều này đã được chính người chồng thừa nhận trong quá trình tố tụng hình sự ở Quốc gia X. Trong quá trình tố tụng đó, người chồng đã ký giấy cho phép G.A. và các con được di chuyển ra nước ngoài. Vốn là một nạn nhân của bạo lực gia đình, G.A. muốn tìm cách đưa các con của cô ở lại Anh Quốc để thoát khỏi người chồng bạo hành.

Tại Anh, G.A. đã nộp đơn xin cấp hộ chiếu Anh cho các con của cô. Vì không thể đưa ra bằng chứng cho thấy sự đồng ý từ cả cha và mẹ của các bé (tức là cả G.A. và chồng cô), cô đã đưa ra lời giải thích về hoàn cảnh bị bạo hành gia đình và trình lên thư đồng ý cho phép đi lại được ký bởi người chồng. Tuy nhiên, Phòng cấp Hộ chiếu đã từ chối đơn đăng ký vì không nhận được sự đồng ý của người cha.

Vào tháng 4 năm 2021, Tòa án Cấp cao đã ra phán quyết rằng quyết định của Phòng cấp Hộ chiếu đã mắc sai lầm trong quá trình xem xét hồ sơ cấp hộ chiếu cho các con của G.A. khi nhất quyết yêu cầu phải có chữ ký đồng ý cấp hộ chiếu cho con từ người cha bạo hành đang sinh sống ở nước ngoài.

Chữ ký đồng ý của người cha có thực sự là bắt buộc trong quá trình xin cấp Hộ chiếu Anh?

Trong trường hợp này, Phòng cấp Hộ chiếu đưa ra quan điểm cho rằng cần có sự đồng ý cấp hộ chiếu từ người có trách nhiệm làm cha mẹ hợp pháp của đứa trẻ. Áp dụng Công ước Hague năm 1996, trách nhiệm của cha mẹ được xác định theo luật của quốc gia nơi con cái thường trú là Quốc gia X. Theo đó, người nắm giữ trách nhiệm duy nhất làm cha mẹ là người cha và do đó, sự đồng ý của người mẹ, trong trường hợp này G.A., không có giá trị. Tuy nhiên, điều này lại trái ngược với luật pháp tại Anh, nơi người mẹ mặc nhiên có trách nhiệm làm cha mẹ đối với đứa trẻ ngay từ khi sinh ra.

Mặc dù vậy, Toà án cho rằng Điều 22 của Công ước Hague năm 1996 cho phép bỏ qua luật địa phương nếu điều đó trái với chính sách công. Trong trường hợp này, đó là quyền và lợi ích của trẻ em. Do đó, nếu luật của Quốc gia X yêu cầu có sự đồng ý của người cha với bất kỳ đơn xin hộ chiếu Anh nào dù đứa trẻ đã được phép đi lại, thì việc áp dụng luật đó trong trường hợp này rõ ràng là trái với chính sách công.

Không dừng lại ở đó, những lý do khác khiến việc áp dụng luật của Quốc gia X rõ ràng trái với chính sách công tiếp tục được đưa ra như các vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và tiếp cận các nhân quyền theo Điều 14 Công ước Châu Âu về Nhân quyền.

Tiền lệ cho những trường hợp tương tự về sau cho những trường hợp xin cấp Hộ chiếu Anh cho trẻ dưới 18 tuổi?

Dựa trên các phân tích trên, nếu Phòng cấp Hộ chiếu dừng kháng cáo, các con của G.A. sẽ được cấp hộ chiếu Anh Quốc. Điểm đáng lưu ý là trường hợp của G.A. không dừng lại ở một trường hợp đặc thù, mà phán quyết của Tòa án Tối cao sau đó đã đưa ra hướng dẫn chi tiết và có giá trị tiền lệ về yêu cầu có cần sự đồng ý của cha mẹ khi nộp đơn xin cấp Hộ chiếu Anh cho trẻ dưới 18 tuổi hay không. Do đó, bất kỳ ai đang mong muốn tìm kiếm tấm hộ chiếu Anh cho con của họ, những người đang vươn lên chống lại những rào cản của một xã hội phụ hệ tương tự như Quốc gia X đều có thể được hưởng lợi từ phán quyết này.

Nguồn: Vụ tranh chấp giữa Secretary of State for the Home Department v GA & Ors [2021] EWCA Civ 1131.