Nhạy cảm với thông tin quy hoạch là một trong những nét đặc trưng của thị trường Việt Nam. Đặc biệt mỗi khi có thông tin về công trình cơ sở hạ tầng sắp được triển khai, giá nhà đất tại khu vực đấy ngay lập tức tăng một cách chóng mặt.
Theo nhiều chuyên gia về đô thị đánh giá “cầu và đường mở đến đâu, giá bất động sản sẽ tăng đến đấy”. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu đường được xem là bước đệm tạo động lực thúc đẩy các tiện ích khác phát triển làm thay đổi diện mạo của khu vực. Đồng thời thu hút thêm nguồn vốn đầu tư dự án từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo sức bật cho thị trường bất động sản địa phương.
Những cây cầu trọng điểm bắc qua sông Hồng, Hà Nội
Thông tin từ quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu qua sông Hồng, gồm: Cầu Việt Trì – Ba Vì, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở và cầu Phú Xuyên. Việc xây dựng các cây cầu bắc qua sông Hồng sẽ tạo sự liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3,5 và 4. Bên cạnh đó còn đóng vai trò trọng yếu trong việc phát triển đô thị phía Đông Bắc Hà Nội.
Trước thông tin quy hoạch này, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản chia sẻ, trước năm 2010, không có nhà đầu tư nào quan tâm đến khu Đông Hà Nội. Sau này, nhờ hệ thống cầu vượt sông “đi trước”, mở đường cho hàng loạt dự án đại đô thị có mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD tại Gia Lâm, Đông Anh. Giai đoạn 2010 – 2011, các nhà đầu tư đón sóng hạ tầng khiến giá đất ở một số xã như Hải Bối, Vĩnh Ngọc tăng đến 80% chỉ trong thời gian ngắn.
Trước đó cũng Hà Nội cũng đã xây dựng 6 cây cầu bắc qua sông Hồng gồm: Cầu Long Biên, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân.
Cầu Long Biên (1898 – 1902)
Nổi tiếng nhất trong số các cây cầu ở Hà Nội là cầu “chứng nhân lịch sử” Long Biên với tuổi đời đã hơn trăm năm. Cầu do Pháp xây dựng và hoàn thành năm 1902, với chiều dài 2.290m qua sông và 896m cầu dẫn gồm 19 nhịp dầm thép do nhà thầu Daydé & Pillé thi công. Đây là cây cầu lớn nhất Đông Dương lúc đó. Kể từ ngày cầu Long Biên được đưa vào hoạt động, bến phà đường sông của Hà Nội đã bị xoá bỏ, nhu cầu đi lại, thông thương của người dân thủ đô không còn gặp khó khăn khi phải vượt qua sông Hồng trong mùa mưa lũ.
Cầu Chương Dương (1985 – 1986)
Cầu Chương Dương xây dựng từ 1983, bắc qua Sông Hồng nối quận Long Biên với trung tâm thủ đô để giảm tải áp lực giao thông trên cầu Long Biên. Cầu nhanh chóng được hoàn thành trong vòng 2 năm xây dựng. Đến năm 2019, do lưu lượng giao thông lớn gây ô nhiễm tiếng ồn ở mức nghiêm trọng, cầu được lắp thêm các tấm chống ồn với tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng.
Cầu Thăng Long (1974 – 1985)
Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng qua Hà Nội được xây dựng từ năm 1974. Cầu có nhịp chính vượt sông dài 1.680m gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành 5 liên dầm liên tục mỗi liên có độ dài 336m. Cầu gồm 2 tầng: cầu đường sắt và xe thô sơ ở tầng dưới, và cầu đường ô tô nằm ở tầng trên. Năm 2020, cầu được triển khai đại trùng tu với tổng kinh phí lên đến 269,3 tỷ đồng.
Cầu Nhật Tân (2009 – 2015)
Cầu Nhật Tân được ghi danh là một trong 7 cây cầu huyết mạch của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời đây cũng là cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam, được coi như một biểu tượng mới của Hà Nội. Cầu Nhật Tân là một trong những công trình trọng điểm quốc gia có mức tổng số vốn đầu tư lên đến 13.626 tỉ đồng. Tổng chiều dài của cầu là 9,17 km trong đó phần cầu chính là 3,9 km (đoạn cầu vượt sông Hồng chiếm 1,5 km) và phần cầu dẫn dài 5,27 km. Nếu đường trên cầu thông thoáng đi chỉ mất 10 – 15 phút là sang bên bờ bên kia.