Smart City là gì?
Khi nhắc về Smart City, Bà Trịnh Tú Anh – Viện trưởng Viện đô thị Thông minh và Quản lý (ISCM) chia sẻ “Thành phố thông minh là nơi ứng dụng các công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị một cách hiệu quả dựa trên các nguồn lực mà chúng ta đang có. Mục tiêu cuối cùng của Smart City vẫn là chất lượng cuộc sống của con người, phải đặt con người là nhân tố trung tâm”.
Cho đến thời điểm hiện tại, trên thế giới vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về đô thị thông minh (Smart City). Dựa vào nguồn lực và văn hóa bản địa mà mỗi quốc gia, thành phố lại ứng dụng các loại công nghệ khác nhau và phát triển một định nghĩa riêng để xây dựng đô thị thông minh.
Về cơ bản có thể hiểu Smart City là mô hình tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo và Internet tốc độ cao được phủ sóng ở khắp mọi nơi. Mục tiêu của các thành phố này là sử dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sống của người dân tại đô thị, cải thiện lưu lượng giao thông và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó Smart City còn giúp các cấp chính quyền dễ dàng tương tác trực tiếp với cộng đồng, kiểm soát cơ sở hạ tầng thành phố, quản lý dữ liệu quốc gia, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.
Các yếu tố cần thiết để xây dựng Smart City
So với ngày xưa, một thành phố có Internet tốc độ cao đã đủ trở thành Smart City. Nhưng ở thời nay, khi Internet xuất hiện ở khắp mọi nơi và trở nên phổ biến, tiêu chuẩn để xây dựng một đô thị thông minh cũng ngày càng được nâng tầm. Các dịch vụ và hệ thống ứng dụng công nghệ trong thành phố thông minh phải được phát triển đa dạng hóa hơn để mang lại lợi ích cho cộng đồng
Để đảm bảo quyền lợi cho cư dân đô thị, các chuyên gia cho rằng có 5 yếu tố để góp phần triển khai thành phố thông minh.
Thứ nhất là, thành phố cần ứng dụng nhiều loại công nghệ điện tử và kỹ thuật số nhằm phục vụ cho cộng đồng. Công nghệ được vận dụng linh hoạt, tùy thuộc vào nguồn lực và đặc điểm của vùng
Thứ hai là, cộng đồng dân cư là chủ thể chính của Smart City. Các đô thị thông minh cần sử dụng Công nghệ thông tin và truyền thông để giúp người dân dễ dàng thích nghi với cuộc sống tại khu vực đô thị.
Thứ ba là, cư dân hiện đại, văn minh cùng tham gia giám sát, phối hợp hỗ trợ quản lý thành phố.
Thứ tư là, ứng dụng công nghệ điện toán thông minh vào việc quản lý các dịch vụ và cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Thứ năm là, đưa công nghệ thông tin và truyền thông vào hệ thống quản lý – tổ chức của chính phủ.