sub_mn
sub_mn

Quy hoạch thông minh

Nếu TP.HCM đô thị hóa vào những năm 1980 và mạnh nhất từ năm 1986 khi đất nước đổi mới, thì năm 1992 Bình Dương mới bắt đầu. Thế nhưng, trong chưa đến hai ba thập kỷ, diện mạo đô thị của tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng bắt kịp láng giềng và ‘lột xác’ nhanh chóng.

Đặc biệt là những năm gần đây tốc độ đô thị hóa ở Bình Dương diễn ra nhanh thấy rõ. Bên cạnh Thủ Dầu Một thì tháng 1/2020, Dĩ An và Thuận An được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương. Thị xã Bến Cát, Tân Uyên được đầu tư nâng cao chất lượng phát triển đô thị theo lộ trình trở thành Thành phố mới. Bàu Bàng cũng là đô thị mới được quy hoạch tương đối bài bản và đang phát triển mạnh mẽ.

Tháng 7 mới đây, vùng thông minh Bình Dương đã được vinh danh là 1 trong 7 cộng đồng (Top 7) có Chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021 ở Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) tại New York của Mỹ.

Diễn đàn này có sự tham gia của gần 200 đô thị thông minh thịnh vượng trên thế giới. Đây là lần đầu tiên Vùng thông minh Bình Dương lọt vào Top 7, sau 3 lần liên tiếp nằm trong top 21 (SMART 21), sánh vai với các thành phố: Curitiba, Paraná, Brazil; Langley Township, British Columbia, Canada; Mississauga, Ontario, Canada; Moscow, Russia; Townsville, Queensland, Australia; Winnipeg, Manitoba, Canada.

Trao đổi cùng với Toàn Cảnh Bất Động Sản, ông PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển TP HCM cho biết, Bình Dương sở hữu lực đẩy để trở thành điểm sáng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Xét ở góc độ vĩ mô, quy hoạch của Bình Dương đã học hỏi từ ‘người đi trước’ là TP HCM. Ông Hòa cho rằng Bình Dương đã học ở TP HCM “cả thành công lẫn thất bại”, từ đó rút được nhiều kinh nghiệm. Song song, Bình Dương ngay lúc đầu phát triển đã liên kết được với rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài, các đơn vị tư vấn kiến trúc và quy hoạch lớn trên thế giới, ví dụ như của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong.

“Quy hoạch của Bình Dương rất là rành mạch, rõ ràng, bài bản và lớp lang. Đường giao thông, các khu công nghiệp của Bình Dương nói chung đều khá tốt và không tạo ra sự xung đột”, ông Hòa nhấn mạnh.

Năm hấp lực

Về yếu tố đô thị, 5 yếu tố sau giúp cho diện mạo đô thị Bình Dương nói chung và bất động sản nói riêng đang phát triển bền vững:

Thứ nhất, Bình Dương nằm trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những vùng phát triển rất mạnh và năng động nhất cả nước. Các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP.HCM và bảy tỉnh thành, gồm có Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu. Trừ TP.HCM ra, trong bảy tỉnh còn lại thì Bình Dương là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất với 82%.

“82% là một tốc độ đô thị hóa nhanh kinh khủng. Có thể nói rằng so với các tỉnh là nhanh nhất”, ông Nguyễn Minh Hòa cho biết.

Thứ hai, Bình Dương hiện nay có 48 khu công nghiệp. Trong đó có nhiều khu công nghiệp rất nổi tiếng, đơn cử như khu công nghiệp Việt Nam – Singapore – VSIP. Đặc biệt là Bình Dương trong suốt 10 năm qua luôn luôn đứng top đầu thu hút được các FDI và chỉ đứng sau Hà Nội và TP HCM. Trong Covid0-19, Bình Dương cũng thu hút được 1,3 tỷ USD. Đây là một con số rất ấn tượng trong giai đoạn hiện nay.

Còn theo các ghi nhận mới nhất, tỉnh cũng thu hút thu hút được 43 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào, trong đó có rất nhiều quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Malaysia… Điều đặc biệt ở đây là các công nghệ và kỹ thuật được ứng dụng tại các khu công nghiệp đều rất tiên tiến do Bình Dương phát triển sau.

Thứ ba, Bình Dương được sự đầu tư của Trung Ương và tỉnh đã tập trung rất nhiều để phát triển cơ sở và kĩ thuật. Muốn phát triển bất động sản, muốn đô thị hóa thì cơ sở hạ tầng – kỹ thuật phải đi trước một bước.

Cụ thể, Bình Dương đang cùng TP.HCM và Đồng Nai hoàn thiện hệ thống đường vành đai khép kín –Vành đai 3 và Vành đai 4. Trong đó, Vành đai 3 thì có biên giáp ranh với Bình Dương 30km. Đường vành đai 4 thì kéo dài 200km, chạy qua các tỉnh thành của khu vực Đông Nam Bộ, có cả Bình Dương.

Một số dự án khác mà ông Nguyễn Minh Hòa cũng nhấn mạnh là Bình Dương hiện nay đang hoàn thiện một trục đường xuyên tâm từ Nam đến Bắc. Tức là từ Tân Vạn, Mỹ Phước đến Bàu Bàng và kéo dài 64km. Một trục đường khác đang được mở rộng hoàn thiện dài 70km là TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Ngoài ra, chính phủ, Bộ xây dựng, tỉnh Bình Dương và một số các đối tác đang bàn đến vấn đề kéo dài Tuyến Metro số 1, từ Suối Tiên về Bình Dương. Bình Dương cũng sẽ triển khai tuyến xe buýt nhanh BRT kết nối từ thành phố Bình Dương đến các vùng lân cận.

Thứ tư, Bình Dương đã triển khai rất nhiều các dự án quan trọng, trong có cần phải nói đến một yếu tố quan trọng là Bình Dương có định hướng xây dựng thành phố thông minh.  Cụ thể, vùng thông minh Bình Dương vừa được vinh danh là 1 trong 7 cộng đồng có Chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021 ở ICF.

Thứ năm, vô cùng quan trọng chính là Bình Dương còn dư địa nhiều với giá rất thấp.

“TP HCM có 2.100km2 mà dân số là 13 triệu dân. Trong khi Bình Dương là 2.700km2, nhiều hơn diện tích TP.HCM 600km2 mà dân số thì chỉ có 2,6 triệu dân, tức là ít hơn những 5 lần. Thế thì đất để đưa vào sử dụng làm khu công nghiệp, khu đô thị, bất động sản và các khu đô thị mới của Bình Dương thì dư địa còn rất lớn, rất nhiều. Có thể triển khai các dự án vô cùng lớn hàng ngàn hecta với giá đất thấp”, ông Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh.