sub_mn
sub_mn

Có lẽ sau Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997) và Khủng hoảng kinh tế thế giới (2008), các công ty nghiên cứu thị trường và tổ chức chứng khoán mới bắt gặp tình cảnh phải liên tục thay đổi dự báo về kinh tế vĩ mô như thời gian qua. Tất nhiên, Covid-19 là biến cố kinh tế – xã hội làm đảo lộn mọi thứ.

Giữa tháng 8, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) hạ triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021 xuống còn 4%, phản ánh những tác động tiêu cực của đợt bùng phát lần thứ tư đối với các hoạt động trong nước cũng như ảnh hưởng kéo dài của các biện pháp phòng Covid-19 lên hoạt động kinh tế. Tăng trưởng kinh tế quốc dân được cho là phụ thuộc vào hiệu quả của việc ngăn chặn dịch bệnh và tiến độ tiêm chủng.

Thống kê của VDSC và Fiinpro chỉ ra, chứng khoán, thép và bất động sản là ba nhóm ngành dẫn đầu tăng trưởng doanh thu bán niên. Chỉ số tăng trưởng lần lượt là 82%, 51% và 47%. Trong khi thép và chứng khoán vẫn giữ phong độ khi xét về tăng trưởng lợi nhuận nhưng ngành bất động sản lại lùi về vị trí thứ 5 với mức tăng 75%. VDSC nhận xét chung, hầu hết các ngành đều báo cáo mức tăng trưởng mạnh mẽ về cả doanh thu và lãi ròng trong 6 tháng đầu năm 2021 nhưng chủ yếu dựa trên mức thấp của năm ngoái.

selling-commercial-property-1030x516-1630973228.jpg

Đối với triển vọng thị trường trong nước, công ty chứng khoán này cho rằng cùng với bán lẻ, F&B và công nghệ, bất động sản sẽ là ngành được hưởng lợi chính khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng dần trong thời gian tới. Đơn vị này giữ quan điểm tích cực cho tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngành. Trong đó, bất động sản khu công nghiệp nhận được điểm tích cực nhiều hơn bất động sản khu dân cư.

Trong nửa cuối năm nay, bất động sản khu dân cư lại được dự báo có kết quả kinh doanh vượt trội hơn. Cụ thể, lĩnh vực này được VDSC đưa ra mức doanh thu dự phóng là 12.555 tỷ đồng, lãi ròng 4.097 tỷ đồng, tăng 25% và 69% so với nửa cuối năm 2020. Trong khi đó, nhóm khu công nghiệp có thể ghi nhận tổng cộng 3.826 tỷ đồng doanh thu và 487 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với cùng kỳ, bất động sản khu công nghiệp có thể tích luỹ thêm 36% doanh thu nhưng thâm hụt đi 47% lợi nhuận.

“Trong nửa sau năm 2021, chúng tôi tin rằng việc đẩy mạnh đầu tư công tập trung vào cơ sở hạ tầng giao thông theo chủ trương của Chính phủ sẽ là yếu tố chính dẫn dắt ngành bất động sản. Bên cạnh đó, các điều kiện pháp lý sẽ thuận lợi hơn đến từ những thay đổi tích cực trong Luật Xây Dựng sửa đổi 2020, Luật Đầu Tư 2020 và Nghị Định 148/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, việc lãi suất cho vay mua nhà vẫn đang duy trì ở mức thấp sẽ hỗ trợ nguồn cầu tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên, lo ngại chính vẫn đến từ việc dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến ngày càng phức tạp”, báo cáo nêu rõ.